Friday, March 21, 2014

Chương 39 – 43




Phần 5


Trại Cải Tạo Z30D, Hàm Tân, Thuận Hải.


Chương 39.Đi Về Miền Nam

Năm năm ở trại Tân Lập quả là quá dài để chịu đựng biết bao nhiêu đau khổ, đặc biệt vào những năm đầu tiên.  Nhiều người đã chết, nhiều người bị bệnh kinh niên, và nhiều người thì bị thương tật.  Bệnh trĩ của tôi càng lúc càng nặng mà không có thuốc men gì để trị hay để làm giảm đau!  Tôi không thể biết được có bao nhiêu người còn lại trong số bốn trăm mười trại viên đầu tiên đến trại Tân Lập vì đã có nhiều lần di chuyển xáo trộn, đến và đi.  Theo tôi nghĩ thì chắc phải có ít nhất là khoảng một phần ba trại viên đã chết trong số bốn trăm mười người đến Tân Lập trên chuyến tàu “Sông Hương”.  Vài trại viên đã bị đưa đi khỏi K5 của trại Tân Lập để biệt giam ở một nơi nào đó và rồi mất biệt luôn.
Sau khi Trung Quốc tấn công vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam năm 1979, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên căng thẳng.  Việt Nam và Trung Quốc không còn ở tình trạng “môi hở răng lạnh” nữa mà bây giờ là răng cắn môi chảy máu!  VC chia miền Bắc ra thành ba khu vực: khu một gồm các tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc, khu hai là miền Trung Du Bắc Việt, và khu ba là đồng bằng sông Hồng.  Sau khi bị Trung Quốc tấn công, họ đưa hết các trại cải tạo ở khu một về khu hai, và kể từ khi đó thì trại Tân Lập rất đông trại viên.  Chúng tôi đã phải đào giao thông hào trong sân sát với buồng giam để chuẩn bị cho trận tấn công của Trung Quốc vào khu hai.
Dự tính của VC thành lập những “nông trường” quốc doanh cho chúng tôi sống ở đó suốt đời đã không thành công.  Hai “nông trường” được thành lập ở Thanh Hóa có tên là Thanh Phong và Thanh Lâm cuối cùng đã trở thành hai trại cải tạo mà thôi!  Họ bắt đầu phải đưa trại viên trở về miền Nam từ năm 1980, nhưng cuộc nổi dậy của các trại viên ở một trại ở Hàm Tân vào đầu năm 1981 khiến việc này bị đình lại cho đến năm 1982.  Kể từ tháng tư năm 1982, trại Tân Lập bắt đầu chuẩn bị cho cuộc di chuyển vào Nam.
Từ Tết năm 1982, các tin đồn về sự thay đổi của trại từ “tù chính trị” sang “tù hình sự” được loan truyền khắp nơi trong trại.  Hầu hết những tin đồn này đều phát xuất từ các cán bộ.  Nhưng chúng tôi không biết được điều đó sẽ là chúng tôi sẽ được thả ra khỏi trại hay di chuyển vào Nam.  Cũng đã có vài cuộc phóng thích nhưng không bao giờ đạt đến con số một trăm trại viên.  Thời gian ấy, trại Tân Lập rất đông trại viên từ K1 đến K5; tôi nghĩ toàn trại có thể đạt đến con số ba ngàn trại viên.  Phạm nhân hình sự chỉ là thiểu số so với số trại viên đến từ miền Nam.  Tôi không tin họ có thể thả một số lớn trại viên như thế, do đó tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ có một cuộc di chuyển.
Vào sáng ngày 7 tháng tư năm 1982, chúng tôi đi ra nhà lô để lao động như thường lệ.  Nhưng từ ngày hôm qua, chúng tôi đã nghe các trại viên trong đội vận chuyển và đội lâm sản cho biết rằng ở các phân trại K1, K2, K3 và K4 đã đọc tên trại viên được chuyển vào Nam rồi.  Nhưng mọi việc dường như vẫn diễn ra bình thường ở phân trại K5.
Tôi đang làm một cái “hòm” bằng gỗ cho một cán bộ ở nhà lô đội 10.  Đó là một cái rương bằng gỗ đặc biệt vì nó được làm bằng loại gỗ “lác”, một thứ gỗ quý ở miền Bắc.  Tôi đã bào xong bốn tấm ván hông, chỉ đợi để cắt mộng và ráp vào mà thôi.  Nhưng đó lại là một giai đoạn khó nhất trong việc đóng “hòm” vì tôi phải cưa những cái mộng đuôi cá nhỏ cho thật khít khao nếu không thì lúc ráp nó sẽ bị nứt hết.  Tôi không thể tập trung được vào việc làm này mà chỉ đứng ở cầu bào nhìn về phía cổng trại.  Phân trại K5 là bộ chỉ huy của toàn trại, nếu có việc di chuyển như vậy thì nhất định các trại viên sẽ phải tập trung về đây trước khi đi nơi khác.
Cán bộ quản giáo đội 10 không nói gì với tôi mà chỉ nói với Vui và Nam, hai trại viên trong đội rằng sẽ không có gì hết và chúng tôi phải làm việc như thường lệ.  Tôi nghe ông ta nói và trả lời lại rằng tôi có thể làm mọi việc mà ông ta bảo, nhưng chắc chắn là sẽ không hoàn hảo như ý muốn vì đầu óc tôi không thể điều khiển hai tay tôi được nữa!  Sống quá lâu trong trại và ở đội 10, tôi trở nên quen thuộc với từng cán bộ một và không còn sợ họ như lúc đầu nữa, nhưng tôi lại luôn luôn giữ một khoảng cách để họ không có lý do gì mà phạt tôi.  Ngoài ra thì làm một cái “hòm” gỗ cho cán bộ là công việc làm có tính cách riêng tư; họ không có cách gì để bắt buộc tôi được!
Hầu hết các cán bộ trong các trại cải tạo đều rất nghèo.  Họ cần những thứ rất là tầm thường như những cái rương bằng gỗ, cái ghế nhỏ, cái bàn, và đôi khi chỉ cần một quyển sổ có vẽ hình bông hoa mà thôi.  Làm những việc này là những công việc riêng tư nên đôi khi phải dấu cả Ban Giám Thị, nhưng nhờ đó mà tôi sống được dễ dàng hơn trong trại!  Đôi khi tôi muốn đi ra ngoài chỉ để tắm giặt mà thôi, nhưng tôi bảo với tên cán bộ gác cổng rằng tôi phải ra nhà lô để làm việc.  Hắn ta là người đang nhờ tôi vẽ dùm mấy bông hoa trong cuốn sổ cho nên hắn sẽ cho tôi đi một cách dễ dàng với điều kiện là tôi đừng trốn trại và làm dùm công việc mà hắn nhờ!  Đó là cách sống của tôi trong trại: làm những điều có lợi cho tôi mà không hại ai hết là được rồi.
Khoảng mười giờ sáng, các trại viên ở các phân trại khác bắt đầu đến nơi.  Họ mang xách đồ đạc trên vai.  Chúng tôi nhìn một cách kích thích, nhưng chưa thể vào trại được cho đến trưa.
Chiều hôm ấy, tiếng kẻng báo giờ đi lao động vang lên như thường lệ.  Chúng tôi tập họp ở sân để chuẩn bị xuất trại thì thấy có một cán bộ cầm giấy vào đọc tên các trại viên ở lại trong trại.  Những người không có tên thì đi lao động.  Có khoảng mười lăm trại viên trong đội tôi được ở lại, trong đó có tôi; chúng tôi trở vào buồng để lấy đồ đạc và di chuyển sang một buồng khác ở khu B với các trại viên từ K1 đến.
Một tiếng đồng hồ sau thì cán bộ quản giáo đội 10 vào dẫn tôi ra nhà lô để hoàn tất cái “hòm”.  Nam, người bạn thân với tôi trong đội vẫn ở lại; anh ta trông buồn buồn nhưng cố dấu đi.  Tôi giao lại cho anh ta tất cả đồ đạt trong cầu bào của tôi –đó là tài sản của tôi.  Tôi thường dấu nhiều thứ trong ấy như cam (hái lén từ vườn cam ở gần nhà lô), khoai lang, khoai mì, bắp cải, gạo, bo bo, vân vân; những thứ mà các cán bộ cho tôi khi tôi làm những công việc riêng tư cho họ.  Tôi cũng giao cho Vui, phụ tá của tôi ở đội 10, những dụng cụ và chỉ anh ta cách hoàn tất cái hòm sau khi tôi đã làm xong phần hông và nắp.
Những sự chia tay trong trại diễn ra thường xuyên.  Các trại viên ở lại thường ái ngại cho những trại viên phải ra đi, nhưng lần này thì mọi việc đều ngược lại.  Nhìn dáng vẽ buồn rầu của họ, tôi không biết nói gì hơn là an ủi họ rằng chắc rồi sẽ còn những cuộc di chuyển tiếp theo.  Nam và Vui đều được thả ra sau lần di chuyển thứ hai của trại Tân Lập.
Một điều ngộ nghĩnh là nhiều cuộc chia tay khác lại diễn ra giữa trại viên với cán bộ nữ và giữa trại viên với các phụ nữ sống quanh trại!  Vài cán bộ còn bảo rằng họ không muốn chúng tôi đi vì không thích các phạm nhân hình sự thay thế chúng tôi.  Mọi người đều đã thay đổi quan điểm, và đôi khi tôi tự nghĩ không biết ai cải tạo ai đây?
Đêm hôm ấy, hầu như mọi người đều thức để trò chuyện.  Vài trại viên còn biết trước rằng chúng tôi sẽ được chuyển vào trại Thủ Đức.  Thủ Đức là trại mà từ đó tôi được đưa ra trại Tân Lập năm năm về trước!  Nếu thật sự chúng tôi được chuyển về trại Thủ Đức thì đó chỉ là giai đoạn ngắn mà thôi vì Thủ Đức chỉ là một trại trung chuyển, và chúng tôi đều mong rằng chúng tôi sẽ được thả ra khi về đến miền Nam.
Ngày hôm sau, tôi xếp mọi thứ vào cái ba lô để chờ đợi.  Đã có kinh nghiệm từ lần di chuyển trước từ Nam ra Bắc, tôi cố giữ lại những thứ thật cần thiết để được càng nhẹ càng tốt dù rằng ở trong trại thì mọi thứ đều cần.  Thời tiết tháng tư vẫn còn lạnh, do đó tôi mặc cái áo khoác thay vì nhét nó vào ba lô.  Cái áo khoác của tôi đã rách nát và phải mạng vá lại bằng nhiều thứ vải.  Chỉ có hai bộ đồng phục tù là tương đối còn coi được nên tôi bỏ chúng vào ba lô cùng với mùng mền.  Tôi cũng đã cắt cái pon-sô của tôi thành hai phần, một để làm áo mưa còn một tấm để làm tấm trải phía dưới chiếu ngăn rệp.  Tôi cuộn chiếc chiếu và tấm pon-sô ấy vào với nhau và cột vào nắp ba lô, cái bi-đông đựng nước uống và cái hũ đựng cơm thì được treo vào hông ba-lô.  Tôi đã sẵn sàng, nhưng tôi nghĩ họ sẽ di chuyển vào ban đêm vì đó là thói quen của họ.
Tôi cố đi ngủ sớm ngay lúc vừa điểm nhập buồng vì tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ di chuyển vào tối hôm ấy.  Khoảng nửa đêm, các cán bộ vào để kiểm trại viên trước khi di chuyển.  Chúng tôi phải xếp vào hàng và họ còng hai người lại với nhau trước khi dẫn chúng tôi ra khỏi cổng trại.  Đó là sáng sớm ngày 9 tháng tư năm 1982; tôi đã ở trại Tân Lập được bốn năm, mười một tháng, mười tám ngày!
Không có chiếc xe nào phía trước cổng trại.  Dưới sự dẫn đường của cán bộ vũ trang, chúng tôi đi về phía bờ suối hướng qua phân trại K3.  Hướng đó ngược với hướng đi về phía Bến Ngọc nếu chúng tôi thật sự đi về Nam.  Tất cả chúng tôi đều lo lắng biết đâu đây lại là một trò ma mảnh nào đó của họ.  Đến bờ suối nơi tôi vẫn thường băng ngang vì nơi đó tương đối cạn, chúng tôi băng qua suối.  Đôi dép râu của tôi vuột mất quai nên tôi phải bỏ nó vào ba-lô và đi chân không kể từ khi ấy.  Nhiều người có quá nhiều đồ đạc nặng nề di chuyển rất khó khăn nhất là với chiếc còng trên tay nên đã phải bỏ bớt đi một phần.
Qua bờ suối bên kia, chúng tôi quay ngược lại về phía Bến Ngọc.  Tôi thở dài nhẹ nhõm!  Tôi đoán có lẽ đó là chỗ duy nhất để có thể băng qua suối.  Con đường mòn đi đến Bến Ngọc từ phân trại K3 phải băng qua một khu rừng bồ đề.  Trong bóng đêm, tôi không thể tránh khỏi những bụi gai mắc cỡ và những viên đá sắc cạnh ở khắp nơi.  Với chiếc quần ướt và đôi chân trần bị cắt đứt bởi đá và gai nhọn, tôi phải rán theo kịp mọi người trong sự đau đớn và lạnh lẽo.  Nhưng trong thâm tâm thì tôi vẫn luôn hy vọng vượt mọi thứ để được về miền Nam, để ít nhất được gặp lại gia đình và quê hương tôi.
Đó là lần thứ hai tôi đi qua phía bên kia bờ của Bến Ngọc.  Lần đầu tiên là lúc tôi mới đến trại Tân Lập năm năm về trước; đoàn xe ngừng một lúc để đợi nhau rồi chạy thẳng xuống suối để đi qua bờ bên kia.  Lần này thì chúng tôi đến Bến Ngọc lúc sáng sớm, và đoàn xe đã chờ sẵn ở đó!  Tôi không biết tại sao nó không chịu đi vào trại dù lúc ấy suối A-Mai chảy cũng không đến nỗi mạnh lắm.  Đó là đoàn xe “Molotova” chứ không phải xe đò như lúc chúng tôi đi đến trại.  Chúng tôi leo lên sàn của những xe không mui ấy và đợi tất cả trại viên đến nơi.
Khi mọi người đến nơi thì trời cũng đã sáng tỏ.  Rất đông người đứng hai bên đường để tiễn đưa chúng tôi, vài người còn ném thức ăn lên xe.  Khi chúng tôi đến đây thì họ nhìn chúng tôi với sự nghi ngại; bây giờ, khi chúng tôi rời nơi đây thì họ tiễn chúng tôi với tình cảm của họ.  Kể từ khi gia đình trại viên đến thăm, dân chúng sống quanh vùng trại bắt đầu tiếp xúc với dân miền Nam.  Họ cũng bắt đầu biết ít nhiều về sự thật của miền Nam, những điều mà họ đã bị che đậy hằng bấy lâu nay.
Chúng tôi rời Bến Ngọc vào sáng sớm.  Quang cảnh nơi này trông có vẻ đông đúc hơn khi chúng tôi đến.  Nhà cửa mọc nhiều thêm lên, vài nhà gạch chen lẫn với nhà lá, dân chúng cũng đông đúc hơn, đất đai cũng không còn hoang vắng như trước, đồi trọc đã được che phủ bởi cây trà và khoai mì.
Đoàn xe đến con đường nhựa khoảng một giờ sau.  Vài chiếc xe gắn máy Honda chạy trên đường.  Khi đoàn xe chạy ra khỏi thị xã thì đường xá trống trải hơn.  Chúng tôi đứng lắc lư trên xe khi đoàn xe chạy trên con đường đầy những ổ gà.  Năm năm sau khi chiến tranh chấm dứt, không có gì gọi là “cải tiến” trên những phương tiện giao thông ở Bắc Việt ngoài vài chiếc Honda du nhập từ miền Nam!  Xe cộ cũng phải lao xuống suối, đường xá cũng đầy những ổ gà, và dân chúng cũng dùng xe đạp như một phương tiện vận chuyển chính của họ.
Tôi không biết đoàn xe chạy theo hướng nào, nhưng vào khoảng trưa thì bắt đầu thấy vài chiếc xe hơi chạy trên đường.  Một chiếc xe có vài người ngoại quốc -với da trắng tóc vàng- chạy theo đoàn xe chúng tôi một lúc lâu.  Họ không có một dấu hiệu gì cho biết họ là người nước nào, do đó chúng tôi cũng không biết họ là ai.  Một người trong bọn họ chào chúng tôi với dấu hiệu hình chử V bằng hai ngón tay, và vài người trong chúng tôi giơ còng lên để cho họ thấy hoàn cảnh của chúng tôi.  Chúng tôi hy vọng họ là những phóng viên, nhưng tôi không biết rõ họ là người nước nào vì trong quốc gia của Cộng Sản, các phóng viên nhất là của Phương Tây không thể đi lại dễ dàng như thế.
Tôi đoán rằng đoàn xe sẽ chạy về phía cảng Hải Phòng để chúng tôi lên tàu về Nam, nhưng tôi lại thấy con đường có vẻ khác hơn lúc chúng tôi đi đến.  Rừng núi từ từ biến mất; đoàn xe chạy trong một vùng đồng bằng.  Khoảng chiều, xe cộ càng lúc càng đông.  Con sông Hồng với bờ cát trải dài ra xa xuất hiện dọc theo đường đi.  Đó là mùa nước cạn.  Đoàn xe chạy qua cầu vào giờ tan việc.  Xe cộ rất đông trên cầu.  Có rất nhiều xe gắn máy Honda và dân chúng ăn mặc quần áo sặc sỡ hơn là những hình ảnh mà chúng tôi thường thấy về thành phố Hà Nội.  Thời trang miền Nam đã du nhập ra miền Bắc sau khi chúng bị cấm đoán ở miền Nam, thật là một chuyện khôi hài!  Đó là cây cầu Thăng Long xuyên qua sông Hồng, cây cầu dài nhất miền Bắc.  Chúng tôi đang vào thành phố Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.
Dân chúng nhìn chúng tôi một cách tò mò, nhưng tôi không thấy một dấu hiệu nào của sự thù hận.  Vài người vẫy tay dường như chào chúng tôi.  Dân Hà Nội đã bắt đầu thay đổi lối sống và thay đổi cả cái nhìn của họ!
Đoàn xe không đi thẳng vào Hà Nội mà chỉ đi vòng quanh.  Tôi nhìn thấy ánh phản chiếu từ mặt nước hồ ở xa xa nhưng không biết có phải đó là Hồ Gươm hay không.
Sau khi qua Hà Nội, đoàn xe chạy thẳng hướng Nam khi trời đã bắt đầu tối.  Chúng tôi không thể nào ngủ được trong tình trạng ấy cho nên chỉ ngồi dựa vào đồ đạc để cố nghỉ ngơi một chút.  Tôi tự hỏi làm thế nào để chịu đựng được một chuyến đi về miền Nam trên chuyến xe như thế này.  Đoàn xe tiếp tục chạy trong đêm tối; tôi không thể nhìn thấy được gì ở hai bên đường để đoán biết mình đang đi đâu.
Cuối cùng thì mặt trời cũng bắt đầu mọc; tôi thấy những cánh đồng lúa ở chung quanh.  Vài nhà lá với cái ao phía trước là đặc điểm của miền đồng bằng miền Bắc.  Chúng tôi đang đi trong địa phận tỉnh Hà Nam Ninh, một tỉnh mới bao gồm ba tỉnh Hà Tây, Nam Định và Ninh Bình.  Đoàn xe quẹo phải và rồi ngừng lại ở cuối một con đường đi đến một dòng sông khi trời sáng tỏ.  Vài người cho biết đó là con sông Đáy chảy qua thị xã Phủ Lý của tỉnh Nam Định.
Hai bên con đường từ khúc rẽ vào đến bờ sông, nhà cửa cất theo nhiều loại nằm san sát với nhau.  Một khu chợ ngoài trời nằm gần bờ sông.  Dân chúng khá đông đúc.  Vài chiếc đò chở khách từ bờ kia sông sang đang cập bến.  Không thấy có cây cầu nào băng qua sông, tôi đột nhiên nhớ tới chiếc phà mỗi lần chỉ chuyển được một chiếc xe chở chúng tôi qua sông khi chúng tôi đi ra miền Bắc năm năm về trước.  Chẳng lẽ câu chuyện đời xưa ấy lại diễn ra ở một thị xã như thế này hay sao?
Chiếc ca-nô kéo theo một cái mảng nhìn thấy từ xa.  Đó không phải là một chiếc mảng tre mà làm bằng cây bọc thép, và nó có thể chở được hai xe mỗi lần.  Chiếc ca-nô thì quá cũ kỹ và không được bảo trì, trông giống như loại tàu nhỏ của Hải Quân miền Nam trước đây.  Mười lăm chiếc xe qua sông vào khoảng giữa trưa, chạy khoảng một tiếng đồng hồ qua một dãy núi đá vôi để đi vào phân trại A của trại cải tạo Nam Hà.
Trại cải tạo Nam Hà trông có vẻ rất kiên cố hơn trại cải tạo Tân Lập với nhà gạch bao quanh bởi tường cao.  Tôi không có dịp để biết nhiều về trại này vì chúng tôi chỉ ở trong một khu biệt lập.  Nền chỗ nằm làm bằng xi-măng chứ không bằng gỗ như ở trại Tân Lập và chắc là cũng ít rệp hơn.
Khoảng nửa đêm ngày thứ hai, chúng tôi được chuyển ra ga Phủ Lý để chờ xe lửa.  Địa danh này tôi đã từng biết đến qua các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn viết khoảng những năm 1930.  Nhưng cái gọi là ga “Phủ Lý” chỉ là một căn nhà nhỏ có hai vách ở hai đầu còn hai mặt kia thì trống trơn.  Nó được xây có lẽ từ thời Pháp thuộc mà không được sửa sang lại bao giờ.  Một bóng đèn treo phía dưới mái nhà không có trần chiếu ánh sáng mờ mờ vàng vọt cho căn phòng khoảng sáu thước ngang mười thước chiều dài.
Trên sáu trăm trại viên chen chúc trong căn phòng ấy; chúng tôi chỉ có thể ngồi co ro ở chỗ để đợi xe lửa.  Sau một lúc thì đầu gối và đùi tôi bị tê mà không thể duỗi chân ra được.  Tôi bảo Tâm, người bạn bị còng chung còng đứng dậy và đổi vị trí để ngồi dựa lưng nhau.  Tôi cảm thấy dễ chịu hơn một chút, nhưng các tên cán bộ canh gác ở đó không cho phép chúng tôi được cử động nữa.  Họ muốn chúng tôi ngồi yên để dễ kiểm soát.
Xe lửa đến khi mặt trời đã xuất hiện ở chân trời, lúc ấy khoảng bảy đến tám giờ sáng.  Các cán bộ đọc tên chúng tôi một lần nữa trước khi cho chúng tôi từng cặp một bước lên xe lửa.  Chúng tôi chiếm chỗ trên ba toa xe.  Điều khó khăn là cái ghế ngồi trên xe lửa làm cho ba người.  Hai cặp có thể ngồi được ở hai hàng ghế nhưng một cặp khác không thể ngồi ở hai bên ghế của đường đi ở giữa với cái còng không dây trên tay.  Chúng tôi phải chia xẻ sự khó khăn này bằng cách đổi chỗ với nhau: hai cặp ngồi trên ghế và một ngồi dưới sàn xe.
Mặc dù với cái còng trên tay, tôi vẫn thấy cảm thấy thoải mái hơn ở trong hầm của chiếc tàu “Sông Hương” năm năm trước.  Đây là chuyến xe lửa chở khách, do đó chúng tôi có phòng vệ sinh và có phục vụ thức ăn hàng bữa với thực đơn của khách.  Chúng tôi không phải bước trên sàn dơ bẩn như trên tàu nữa, và trên tất cả là chúng tôi đang được đi về miền Nam, quê nhà của chúng tôi!  Vài người có vẻ lạc quan tếu còn phát biểu rằng “ngày đi đau khổ, vinh quang ngày về!”  Tôi thì không chắc rằng có vinh quang gì không, nhưng ít ra thì tôi cũng biết được mình đang đi đâu và tôi có thể gặp lại được gia đình tôi.
Con đường xe lửa chạy dọc theo đường quốc lộ số một, con đường duy nhất chạy từ Bắc vô Nam Việt Nam.  Tôi nhìn thấy những hố bom nằm rải rác trên những cánh đồng, dấu hiệu của chiến tranh vẫn còn vương lại trên miền Bắc Việt Nam.  Đường quốc lộ số một quá hẹp và đầy ổ gà.  Chiếc xe lửa cũ kỹ với đầu máy chạy bằng than phun đầy bụi khói!  Đến những ga dọc đường, xe không ngừng nhưng chạy chậm lại, do đó chúng tôi có thể nhìn thấy những sinh hoạt của dân miền Bắc.  Những người bán hàng rong, phần lớn là trẻ con mang những cái rổ đựng đầy hàng bánh chạy theo xe rao mời khách.  Ở vài ga đầu tiên, cán bộ không cho chúng tôi mở cửa sổ, nhưng rồi sau đó họ có vẻ lờ đi.  Vài trại viên có tiền đã mua hàng của những đứa trẻ bán hàng rong này.  Khi chúng nhận ra chúng tôi là những người khách hàng đặc biệt, chúng không chịu nhận tiền nữa, nhưng không ai muốn lợi dụng chúng.
Các chiếc xe lửa khách đường ngắn -gọi là tàu chợ- đầy khách đứng ngồi ngổn ngang và ngay cả có nhiều người đeo bám ở cửa; thật là một quang cảnh lộn xộn mà tôi chưa từng thấy bao giờ!  Tôi đột nhiên rùng mình nghĩ đến chuyến đi của vợ tôi khi cô ấy đến thăm tôi vào năm 1979.  Làm thế nào để vợ tôi có thể chịu đựng được một chuyến đi dài đăng đẵng và lại lộn xộn như thế?  Chỉ có tình yêu mới giúp được cô ấy vượt qua được những vất vả và có đủ sức để làm việc ấy mà thôi.  Trên chuyến tàu từ Nam ra Bắc, ngoài tình trạng hỗn loạn còn có cả cướp giật, và ngay cả giết người nữa.  Những người đàn bà với đồ đạc ngổn ngang rỏ ràng là mục tiêu của bọn này.  Tôi nghĩ những chuyến tàu ấy còn tệ hơn là chuyến tàu mà chúng tôi đang đi mặc dù hành khách không bị còng như chúng tôi!
Tới một ga mà tôi không nhớ tên, xe lửa ngừng lại một lúc.  Vài đứa trẻ bán hàng rong nhảy lên xe để bán hàng.  Tôi mua hai trái chuối nướng bọc trong nếp bằng tiền mà tôi dấu trong ba-lô rồi ngồi ăn một cách ngon lành như một món ăn rất đặc biệt.
Tôi ngồi mệt mỏi trên sàn tàu và chợp mắt được một lúc.  Một đêm chờ đợi ở ga “Phủ Lý” làm tôi mệt nhoài, nhưng tôi không thể ngủ được.  Tới phiên tôi được ngồi lên ghế khi trời vừa tối.  Chiếc xe lửa đi qua sông “Bến Hải” trên một chiếc cầu song song với chiếc cầu nổi tiếng mang tên là “Hiền Lương” ở vĩ tuyến thứ mười bảy nơi đã từng là ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc Việt Nam.
Có bao nhiêu cuộc chiến đã diễn ra trên chiếc cầu mang cái tên “hiền lành và lương thiện” này và trong cái vùng mang tên là vùng “phi quân sự” này?  Thật là một sự lạm dụng danh từ!  Con sông quá nhỏ bé, và chiếc cầu cũng vậy!  Nhưng chúng đã đi vào lịch sử Việt Nam như một địa danh không thể quên được.  Đã hai lần đất nước bị chia cắt, và những tên như sông Gianh hay sông Bến Hải đã khắc sâu vào tâm khảm của người dân Việt như những vết nhơ không thể xóa sạch được.
Việt Nam đã thống nhất!  Vấn đề là những người Cộng Sản đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân để xây dựng một chế độ vô nhân đạo trên đất nước.  Chẳng những họ đã cướp công của nhân dân trong chiến tranh mà họ còn cướp cả tài sản của người dân sau khi cuộc chiến chấm dứt nữa.  Với những khẩu hiệu như “tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội” họ cướp tất cả của cải của người dân!  Sau chiến tranh thì người dân trong nước càng lúc càng nghèo dần.  Con sông “Bến Hải” đã đi vào lịch sử, nhưng chủ nghĩa Cộng Sản thì vẫn tồn tại.  Dân tộc Việt Nam đã vượt qua được một cuộc chiến tranh ghê gớm nhưng rồi lại phải sống trong nghèo khổ dưới sự cai trị của Cộng Sản.  Chỉ có những người Cộng Sản là độc quyền yêu nước.  “Yêu nước tức là yêu xã hội chủ nghĩa” quả là một định nghĩa kỳ quặc!
Trời tối hẳn khi tàu tiến vào thành phố Huế, cố đô của Vương Quốc Việt Nam. Vào Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng đã tạm chiếm thành phố này và tạo nên một cuộc thảm sát dã man. Tôi cố nhìn xem sinh hoạt của Huế nhưng không thể được vì trời quá tối. Chiếc xe lửa ngừng ở một trạm và tôi ngủ thiếp đi ở chổ ngồi.
Người bạn mang chung còng với tôi là Tâm cử động khiến tôi giật mình tỉnh giấc lúc xe lửa đang đi ở một nơi nào đó ở miền Trung Việt Nam.  Tôi ngạc nhiên khi thấy những hàng cột điện chạy ngược lại trước mặt mình.  Đêm qua tôi vẫn nhớ tôi ngồi ngược với chiều của tàu chạy, có nghĩa là hàng cột phải chạy từ phía sau lưng tôi.  Điều gì đã xãy ra đêm qua?  Xe lửa đi ngược lại về miền Bắc hay đi vào nơi nào đó của miền Trung?  Tôi tự hỏi.  Mọi người cũng cảm thấy lo lắng.  Sau đó thì chúng tôi được biết rằng xe đã đổi đầu máy chạy bằng dầu sau khi ngừng ở Huế do đó nó cũng đổi chiều của chiếc xe luôn.
Đến vài ga ở miền Trung, dân chúng bắt đầu nhận được ra chúng tôi nên vẫy tay chào.  Khi đến ga Quy Nhơn vào khoảng trưa, hàng trăm dân chúng đã đứng dọc hai bên đường rầy, ném quà bánh lên xe, la hò, và vẫy tay chào đón chúng tôi giống như là thân nhân của họ.  Sau khi rời ga Quy Nhơn, các cán bộ không cho chúng tôi mở cửa xe nữa.  Nhưng xuyên qua cửa kính, chúng tôi vẫn nhìn thấy dân chúng tụ họp ở sân ga và vẫy chào chúng tôi khi thấy xe lửa đến nơi.
Đến Nha Trang, một thành phố biển nổi tiếng của miền Trung, tàu chạy chậm lại vì đó là giờ tan sở.  Hàng ngàn dân chúng đã đứng sẵn dọc theo đường rầy đi qua thành phố.  Tin tức loan truyền nhanh hơn tàu chạy!  Vài trại viên mở cửa xe ra và thấy cán bộ không nói gì.  Chúng tôi đồng loạt mở cửa xe.  Dân chúng la hò, vẫy khăn tay, ném quà bánh lên xe, và vài người còn chạy theo xe như là họ nhìn thấy được thân nhân của họ vậy.  Ga Nha Trang đầy người.  Xe lửa chạy chậm lại.  Dân chúng chào đón chúng tôi giống như một “đoàn quân chiến thắng”.  Nhà cửa hai bên đường rầy đều bật đèn sáng trưng, và dân chúng thì đứng để đợi đoàn xe đi qua.  Dù họ thật sự vui mừng khi thấy chúng tôi hay chỉ là sự tò mò, họ đã gây cho tôi một cảm giác mà tôi không thể nào quên được suốt cả cuộc đời mình!
Xe ra khỏi thành phố Nha Trang khi trời đã tối.  Chúng tôi đóng cửa sổ lại để ngủ.  Tôi nằm trên sàn xe nghe tiếng bánh xe siết vào đường rầy rồi chìm vào một giấc ngủ say cho đến khi trời hừng sáng.  Tàu chạy chậm lại rồi ngừng ở một ga tên là ga “Mường Mán”.  Đoàn xe đò đã chờ sẳn ở đó để đón chúng tôi.
Mường Mán là một ga xe lửa nằm trong địa phận tỉnh Phan Thiết, phía Đông Nam của miền Trung Việt Nam.  Từ đó đến trại Thủ Đức cũng còn một khoảng khá xa nếu quả thật chúng tôi được đưa về trại Thủ Đức như tin đồn.  Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi đã bị lừa, và chắc là chúng tôi đang được đưa về một trại nào đó ở miền Trung.
Trạm xe lửa im lìm một cách khác thường.  Không thấy một hành khách hay một người bán hàng rong nào.  Chúng tôi ngồi trên xe đò chờ đợi cho đến giữa trưa, và rồi đoàn xe chạy về phía Bắc trên Quốc Lộ số một qua thị xã Long Khánh, rẽ mặt vào một nơi khá nổi tiếng trong chiến tranh tên là “Rừng Lá” thuộc chiến khu của Việt Cộng tên là núi “Mây Tào”.
Trại mà chúng tôi đến có bí danh là Z30D và tên thật của nó là trại “Thủ Đức”, không phải là trại “Thủ Đức” ở thị xã Thủ Đức gần Sài Gòn, mà là trại “Thủ Đức” ở Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải.  Lúc đó vào khoảng ba giờ chiều ngày 18 tháng Tư năm 1982.

Chương 40. Trại Cải Tạo Z30D, Hàm Tân, Thuận Hải.

Trại cải tạo Z30D là thế hệ tiếp theo của trại ở thị xã Thủ Đức gần Sài Gòn.  Nó cũng lấy tên là trại Thủ Đức, nhưng dân chúng thường gọi nó là trại Z30D theo bí danh của nó.
Muốn đến trại từ Quốc lộ số 1 thì người ta phải đi khoảng hai cây số trên một con đường mòn xuyên qua khu rừng buông và cẩm lai (một loại cây gỗ quý trồng trong vùng này).  Khi tôi mới đến trại thì nó gồm có ba phân trại là K1, K2 và K3.  K1 là phân trại chính và cũng là bộ chỉ huy của trại.  K2 nằm cách K1 khoảng ba cây số về phía Bắc và K3 khoảng bốn cây số về phía Nam.  Một dòng suối, nguồn cung cấp nước cho toàn trại chảy qua cả ba phân trại, nó rất cạn về mùa nắng nhưng lại chảy rất mạnh về mùa mưa.
Trại Z30D thay đổi từng ngày kể từ khi tôi đến cho đến lúc tôi rời trại.  Đầu tiên, K1 chia làm bốn khu tên là khu A, B, C và D.  Khu A bao quanh bởi hàng rào và tường gạch, và gồm bốn ngôi nhà xây, mỗi nhà chia làm hai buồng giam.  Khu B gồm bốn nhà lá bao quanh bởi một hàng rào bằng tre gai.  Khu C là một nhà lá nằm riêng rẽ gần với nhà bếp.  Khu D nằm phía sau của trại là một căn nhà gạch xây dựng chưa hoàn chỉnh nằm riêng rẽ không có hàng rào bao quanh.
Chúng tôi gồm khoảng sáu trăm trại viên được đưa vào hai khu A và B.  Trong khu A, chúng tôi được nhốt trong ba nhà 2, 3 và 4.  Nhà 1 thì dành cho những trại viên bị kỷ luật.  Năm mươi trại viên trong mỗi buồng giam rộng khoảng sáu thước, dài mười hai thước với một nhà vệ sinh ở một đầu trong đó có một cái hồ nhỏ chứa nước bơm từ suối vào.  Ở giữa mỗi nhà phía bên ngoài có một cái hồ xây lớn hơn chứa nước dùng cho trại viên.  Cấu trúc của các căn nhà tương tự như các nhà giam ở trại Tân Lập nhưng các bục nằm thì xây bằng xi măng lót gạch bông thay vì bằng ván gỗ lót trên khung sắt.  Và mái nhà thì lợp bằng tôn xi măng chứ không lợp bằng lá cọ như ở trại Tân Lập.  Các căn nhà lá ở khu B thì có vẻ rất sơ sài với vách làm bằng tre và lá buông và các cửa sổ có song làm bằng tre.  Tôi không hiểu sao họ lại nhốt chúng tôi trong những căn nhà quá sơ sài như thế?  Tuy nhiên các nhà này đều lần lượt thay thế bởi nhà gạch.
Từ khu A sang khu B, trại viên phải đi qua một cổng đóng kín suốt ngày ngoại trừ khi đi lấy cơm dưới sự hướng dẩn của cán bộ hoặc ban thi đua.  Nhà bếp nằm phía cuối trại về phía mặt ở gần với láng mộc bên ngoài vòng rào gần với bờ suối.  Mỗi khu đều có cửa riêng để đi ra con đường chính của trại, do đó có tất cả ba cổng trại.  Hàng rào quanh trại làm bằng hai lớp: hàng rào kẽm gai và tre gai trồng sát nhau.  Một cái hào sâu chứa đầy nước đào dọc theo hàng rào ngăn cách hàng rào với khu trại.
Trong khu A còn có hai hàng rào khác, một hàng rào tre ngăn cách khu A với khu B và một bức tường gạch ngăn cách nhà 1 với các nhà khác.  Chúng tôi có thể liên lạc nhau được trong cùng một khu ngoài nhà số một dành cho những trại viên bị phạt kỷ luật vì lý do này hay lý do khác.
Khu D của K1 là một căn nhà gạch chưa xây dựng hoàn chỉnh và không có rào ngăn.  Các trại viên ở khu này là những người trong ban thi đua và các bộ phận lẻ: những người được ban giám thị trại tin tưởng và làm việc ở khu cơ quan.
Đối diện với trại giam là khu cơ quan chia làm ba phần từ trái sang phải là: nhà ở của các cán bộ, văn phòng và nhà kho.  Hầu hết nhà trong khu cơ quan đều làm bằng gạch lợp ngói ngoài khu nhà ở của gia đình cán bộ thì làm bằng cây lá.
Một con đường đất sét chạy từ quốc lộ số 1 vào trại và đi thẳng đến bờ suối ngăn cách khu cơ quan với khu trại giam.  Cây so đũa, một loại cây lá nhỏ và có hoa màu trắng, được trồng khắp nơi trong trại.  Chúng tôi thường thu nhặt bông so đũa để nấu canh cải thiện cho những bữa ăn của chúng tôi.
Quanh trại toàn là rừng.  Vài khu đất trồng bắp còn rải rác những gốc cây đốt cháy dở dang.  Cây lá buông mọc khắp nơi, do đó dân chúng gọi đây là khu rừng lá.  Dân trong vùng lấy lá buông để lợp nhà và những đọt buông nhỏ để đan quạt và làm nón lá, một loại nón của người Việt Nam.  Những cọng buông già thì được làm đũa và làm cần câu.  Vào mùa Xuân, những cây buông này trổ bông, có trái rồi chết.  Trái buông có chất độc có thể giết chết cá, do đó dân chúng thường giã nát trái buông để đổ xuống suối bắt cá.
Cây cối trong khu rừng này được chính quyền miền Nam Việt Nam trồng rất lâu đời.  Các loại cây như Cẩm Lai, Trắc, Gỏ, Thao Lao, và Mun là những loại cây cung cấp gỗ quý.  Trong chiến tranh, khu này là khu trắng, một khu oanh kích tự do.  Có một đồn địa phương quân nằm cạnh quốc lộ để giữ an ninh cho quốc lộ số 1.
Dòng suối, nguồn cung cấp nước cho trại bắt nguồn từ trên núi; nó chạy vòng quanh ra tận quốc lộ số 1 ở gần phân trại K3 rồi trở vào đến phân trại K1.  Trại làm một cái cầu bắt ngang suối bằng cách cột những thân cây theo hình chử X đặt vào lòng suối rồi lót những tấm ván ngang qua.  Nó trông giống như những chiếc cầu khỉ ở đồng bằng miền Nam.  Suối rất sâu vào mùa nắng, nhưng chảy xiết vào mùa mưa.  Mặt nước đôi khi lên gần đến những tấm ván lót cầu, và chiếc cầu đong đưa rất mạnh mỗi khi chúng tôi đi trên ấy.  Bên cạnh cầu, ở sát bờ suối là một nhà nhỏ đặt máy bơm cung cấp nước cho trại và khu cơ quan.  Phía bên kia suối hoàn toàn hoang vu.  Tre gai, cây buông, và nhiều loại cây rừng mọc san sát.  Chỉ có một con đường mòn nhỏ chạy dọc theo bờ suối từ K1 sang K3.
Điều khác nhau giữa rừng miền Nam và rừng ở miền Bắc là ở miền Nam thì có rất nhiều loại thú trong rừng: rắn, thỏ, chim, khỉ, heo rừng, và đôi khi có cả voi nữa.  Suối thì đầy cá và sò ốc.  Những thứ ấy có thể là nguồn thức ăn cho chúng tôi sau này!  Ngoài ra thì măng tre, cây chuối rừng, và nấm mối là những thứ mà tôi dự kiến.  Năm năm ở trại Tân Lập đã dạy cho tôi cách để kiếm ăn mỗi khi có cơ hội!  Một vài cái bẫy cò ke đặt ở đâu đó trên khu lao động, vài sợi dây với chiếc lưỡi câu tự chế cắm vào bờ suối, đó là những thứ mà tôi nghĩ tôi có thể làm được một cách dễ dàng.
Hầu hết trại viên ở trại Z30D trông không đến nỗi tệ hại như trại viên ở Tân Lập.  Khi đi lao động về hầu như mọi người đều có những thứ thu nhặt ở hiện trường lao động.  Đó chính là một dấu hiệu tốt!  Hầu hết những trại viên cũ ở đây đều mặc quần áo làm bằng bao cát.  Tôi nghĩ họ đã thu nhặt bao cát này quanh khu trại vì nơi đây đã từng là chiến khu, hầm hố với bao cát nằm rải rác khắp nơi.
Trại viên ở trại Z30D gồm những người thuộc chế độ cũ, một số người trong những lực lượng chống Cộng sau năm 1975, và những thuyền nhân bị bắt khi vượt biên thất bại.  Chưa có tội phạm hình sự cho mãi đến năm 1985 khi những nữ can phạm được đưa đến trại, và rồi đến năm 1988, phạm nhân hình sự hầu như chiếm đa số trong trại sau đợt thả rộng rải các trại viên thuộc chế độ cũ.
Một số trại viên ở lại trại Thủ Đức khi tôi bị đưa ra miền Bắc năm 1977 như Cang, Trang, Lương, vân vân, vẫn còn ở lại trại Z30D, nhưng Nhàn, cựu nhân viên của tôi thì lại bị đưa đi đến một trại khác để biệt giam sau vụ nổi dậy của trại viên vào Tết năm 1981.  Nhàn đã chết sau khi vừa được thả ra năm 1988, mặc dù anh ta mới khoảng trung tuần ba mươi tuổi.
Ban thi đua trại viên lúc ấy do Trí, cựu thiếu tá cảnh sát, làm trưởng ban khám xét chúng tôi rất cẩn thận khi chúng tôi vừa đến trại.  Những người trong Ban Thi Đua này gồm những sĩ quan của Nam Việt Nam trước đây.  Vài người bạn của tôi lưu ý tôi nên cẩn thận đối với một người trong ban thi đua tên là Cung, nguyên là một thiếu tá Nhảy dù, chồng của một vũ nữ khoả thân ở Sài Gòn vào những năm 1970.  Sau đó thì Cung đã bị chuyển vào làm ở bếp.  Trại viên trong trại thường gọi hắn là “Cung Củ Đậu” (nói lái lại là “cẩu đụ”).
Cơ cấu tổ chức của trại Z30D hầu như giống ở trại Tân Lập, và tôi nghĩ đó cũng là một hình thức chung cho các trại cải tạo của Cộng Sản.  Trong trại là Ban Thường Trực Thi Đua và Hội Đồng Tự Quản.  Ở cơ quan là Ban Giám Thị và Hội Đồng Cán Bộ.  Không có gì khác ngoại trừ cách điều hành trại.
Ban Giám Thị của trại Z30D cũng là Ban Giám Thị của trại Thủ Đức năm năm về trước với Mạch là trại trưởng, Phúc trại phó, và Ninh là trưởng phân trại K1.  Một tên cán bộ tên là Nhu là một người rất đặc biệt về sau này; hắn ta chỉ là trung uý phụ trách về hậu cần lúc ấy.  Nhưng rồi hắn ta càng ngày càng có thế lực và đã làm thay đổi tất cả từ trong trại giam đến ngoài cơ quan.  Kể từ khi nắm quyền hành vào năm 1985, Nhu đã leo từ trưởng K1 đến trưởng trại và rồi kết hợp luôn cả hai trại Z30D và Z30C thành một.  Trại viên sau đó phải làm việc rất vất vả để phá rừng lấy gỗ quý, chuyển đá về lót lòng suối, đắp đập làm thuỷ điện, xây dựng nhà cho riêng Nhu và xây dựng khu vui chơi.  Hắn ta trở thành một hung thần không những đối với trại viên mà cả đối với các cán bộ nữa.

 Z30 Hàm Tân

Chương 41. Những Ngày Đầu Tiên Về Miền Nam.

Những phấn khởi khi được về miền Nam đã trôi qua sau mấy ngày; tôi cũng phải trở lại với sống một cuộc sống bình thường trong trại cải tạo.  Chúng tôi vẫn còn ở cùng đội như lúc di chuyển khỏi trại Tân Lập và đi lao động như thường lệ.  Công việc hàng ngày là làm cỏ cho các mảnh đất trồng bắp.  Cỏ tranh là một loại cỏ rất khó dẫy sạch vì rễ nó ăn luồn dưới mặt đất.  “Một cái cuốc cho mỗi trại viên”, đó là phương pháp lao động ở trại Z30D.
Đất trồng bắp chen lẫn với rừng rậm.  Các cây nhỏ đã được dọn sạch, nhưng những cây lớn vẫn còn.  Bắp được trồng quanh các cây này.  Chúng tôi phải đào gốc buông dọn thêm đất để trồng bắp.  Những cây buông có đường kính ở gốc khoảng một thước với rễ ăn sâu xuống đất, do đó chúng tôi phải đào cái hố khoảng ba thước đường kính để bứng gốc của chúng.  Chỉ tiêu cho mỗi trại viên là hai cây buông mỗi ngày.  Đó quả thật không phải là một công việc dễ dàng.
Nhà lô của đội chúng tôi núp trong rừng rậm, do đó cán bộ quản giáo đội là ông vua trong vùng.  Bất cứ ai muốn đến nhà lô đều phải đi qua một con đường mòn nhỏ đầy gai mắc cỡ, và đôi khi rắn rết hay bò cạp khắp nơi.  Ban giám thị trại ít khi nào muốn đến đó nên cán bộ quản giáo cùng cán bộ vũ trang có thể dùng bất cứ trại viên nào mà họ cần để làm những công việc riêng tư cho họ.
Với khả năng về vẽ và về mộc, thời gian này tôi hầu như là làm trong nhà lô mà thôi.  Các trại viên khác đặt cho những người làm công việc riêng cho cán bộ là “sĩ quan nhà lô”.  Tôi biết đó là một ý nghĩ không tốt, nhưng tôi không có sự chọn lựa nào khác.  Ở trong trại, chúng tôi phải làm những gì mà các cán bộ bảo chúng tôi làm nếu chúng tôi muốn sống.  Vã lại việc vẽ vài cái bông hoa trong cuốn sổ hay làm một cái rương gỗ cho họ cũng chẳng phải là một công việc “dơ bẩn” hay “xấu xa” gì.  Chẳng qua chỉ là công việc nhẹ nhàng hơn các người khác mà thôi, do đó vài người trở nên ganh tỵ!  Sống trong trại không dễ dàng hơn cuộc sống trong xã hội vì tôi phải va chạm hàng ngày với nhiều người mà không thể tránh né họ được.  Làm thế nào để làm vừa lòng hết mọi người?
Vào ngày Chúa Nhật hai tuần sau khi viết thư cho gia đình, tôi được gọi đi thăm nuôi.  Tôi rất ngạc nhiên!  Đứa em trai út của tôi là Tuấn từ Phan Thiết vào thăm tôi.  Tuấn đã tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế và đang làm việc ở thị xã Phan Thiết thuộc tỉnh Thuận Hải.  Chắc là em tôi đang làm việc cho chính quyền của VC nên tôi mới được phép thăm vì hôm ấy không phải là ngày thăm nuôi.
Ngày thứ hai hôm sau, tôi đi lao động như thường lệ.  Hôm ấy đội chúng tôi không làm ở nhà lô mà đi làm vệ sinh cho một miếng đất ở phía sau nhà thăm gặp.
Nhà thăm gặp nằm phía bên phải của một con đường đất sét cách trại khoảng năm trăm thước về hướng quốc lộ số 1.  Đó là một căn nhà gạch dài khoảng hai mươi thước rộng sáu thước nằm bên trong vòng rào bằng kẽm gai. Cổng trước của nhà thăm gặp đi thẳng vào phòng thăm nuôi. Phía bên mặt là phòng làm việc của cán bộ phụ trách nhà thăm nuôi và làm phòng để các thân nhân trại viên đến đăng ký, còn phía bên trái là một căn phòng lớn làm phòng chờ đợi.  Mỗi phòng đều có cửa cửa trước, cửa sau và nhiều cửa sổ.
Phía sau khu nhà thăm nuôi là miếng đất trồng bắp.  Chúng tôi đang làm cỏ ở đấy mà mọi con mắt đều hướng về phía nhà thăm nuôi.  Đột nhiên tôi thấy vợ tôi và mẹ tôi ở trong phòng chờ đợi.  Tôi vẫy tay làm dấu gọi và hai người cũng nhìn thấy tôi.  Tôi không biết tại sao trại lại không gọi tôi ở lại để được ra thăm nuôi.  Vợ tôi bảo con tôi đến gặp tôi, nhưng nó chỉ đứng ở xa xa.  Có lẽ tôi còn quá xa lạ với nó!  Tôi dẫn con tôi đến gặp cán bộ quản giáo để hỏi về trường hợp của mình.  Hắn ta đang nhờ tôi làm những công việc riêng tư, cho nên hắn đi vào hỏi cán bộ phụ trách nhà thăm nuôi và trở lại cho tôi biết rằng tôi đã được gặp gia đình vào ngày hôm qua cho nên họ không giải quyết cho tôi nữa.  Tôi giải thích cho hắn biết rằng hôm qua chỉ là em tôi ghé để xem có phải tôi đã về đây không để báo cho mẹ và vợ tôi biết đến thăm tôi hôm nay.  Tên cán bộ quản giáo vào gặp cán bộ phụ trách thăm nuôi lần nữa rồi ra báo cho tôi biết là tôi được vào thăm ngay nhưng không được vào trại để thay quần áo.  May mắn cho tôi là hôm ấy tôi làm lao động ở sau nhà thăm nuôi, nếu không thì chắc gia đình tôi đành phải quay về.
Vợ tôi trông có vẻ khoẻ mạnh hơn ba năm trước khi gặp nhau ở trại Tân Lập; có lẽ vì cô ấy không phải trải qua một đoạn đường quá dài như lúc đi từ Nam ra Bắc!  Đặc biệt là con tôi, lần đầu nó biết được cha, người cha thật sự chứ không phải chỉ qua mấy tấm hình chụp.  Sau một lúc bỡ ngỡ, nó đến với tôi và gọi “ba”!  Nó đã gần bảy tuổi và đang học lớp một ở trường tiểu học.
Mẹ tôi thì trông già và gầy hơn.  Bà đã chịu đựng qua nhiều khổ đau kể từ khi cha tôi đi vào chiến khu.  Cuộc đời bà chỉ là một chuổi dài phấn đấu cho cuộc sống của gia đình, cho chồng và cho con.
Điều mất mát lớn lao đối với tôi là cái chết của bà ngoại tôi, điều mà tôi cảm thấy lâu lắm rồi.  Gia đình tôi đã dấu tôi việc này suốt ba năm trường.  Nhiều lần tôi có hỏi về bà ngoại tôi, nhưng mọi người trong gia đình đều tránh không nói tới.  Tôi biết họ không muốn tôi đau buồn bởi vì bà ngoại là người gần gũi với tôi nhất.

Chương 42. Cậu Học Trò Tên Tâm.

Đầu năm 1983, tôi được biên chế vào đội 2, họ gọi đó là “đội mía” với công việc làm hàng ngày là trồng và chăm sóc các ruộng mía ở phân trại K3 thuộc trại Z30D.
K3 nằm cách K1 khoảng bốn cây số về phía Nam, và vào lúc ấy thì nó chỉ là một trại nuôi bò cho toàn trại.  Chỉ có vài trại viên được ban giám thị trại tin tưởng ở đó cùng với hai cán bộ trong một ngôi nhà lá không có rào ngăn nào cả.  Hàng ngày, họ dẫn khoảng năm mươi con bò vào đồng cỏ ở gần chân núi Mây Tàu để cho bò ăn và rồi buổi chiều lùa bò trở về chuồng.  Phân trại K3 đã từng là một phần của trại nơi giam giữ các trại viên, nhưng khi một số đông trại viên được thả vào năm 1980 thì nó bị bỏ hoang.
Ngày đầu tiên đi lao động ở các cánh đồng ở K3, tôi gặp Tâm, nguyên là học trò của tôi ở lớp 12 trường trung học Hoàng Gia Huệ nơi tôi đã dạy từ năm 1970 đến năm 1975.  Hoàng Gia Huệ là một trường trung học công giáo thuộc một giáo xứ ở Trung Chánh, của đồng bào di cư từ Bắc vào Nam năm 1954.  Hiệu trưởng của trường ấy đồng thời cũng là cha xứ tên là Diêng, linh mục phụ trách nhà thờ ở trong xứ đạo.  Trong cuộc nổi dậy của Công Giáo chống lại Cộng Sản vào năm 1976, vài giáo sư của trường cũng như một phần đồng bào trong xứ đạo ấy đã bị bắt giam, số còn lại thì chuyển đi nơi khác hay trốn biệt.  Tâm cho tôi biết là cha Diêng trốn vào “mật khu” để chống lại VC.  Chính Tâm cũng bị bắt trong cuộc nổi dậy đó.
Tâm khoảng hai mươi lăm tuổi vào lúc ấy, nhưng trông có vẻ trẻ hơn số tuổi có lẽ vì dáng dấp nhỏ nhắn.  Da sạm nắng vì thường làm việc ngoài đồng mà không bao giờ đội nón.  Thật ra thì tôi không thể nhận ra học trò của mình được cho đến khi Tâm đến nói chuyện với tôi.  Nhưng kể từ đó hắn ta rất cần thiết đối với tôi vì Tâm vừa trẻ lại vừa lanh lẹ.  Chúng tôi lần lần trở thành hai người bạn thân và tôi bảo Tâm gọi tôi bằng “anh” thay vì bằng “thầy”!  Hàng ngày khi đi lao động ở các cánh đồng mía ở phân trại K3, Tâm thường thu nhặt những thứ ăn được và nấu ăn cho cả hai.  Rắn, chuột, ếch nhái, và ngay cả thỏ cũng khó có thể thoát khỏi bàn tay của hắn ta vì hắn “nhanh như sóc”!  Tôi chỉ cho Tâm cách làm bẫy và chúng tôi bắt được khá nhiều các thú nhỏ để cải thiện các bữa ăn.
Chúng tôi phải đi vào K3 bằng một con đường mòn nhỏ dọc theo bờ suối.  Khoảng cách chỉ khoảng bốn cây số, nhưng phải mất hàng hai tiếng đồng hồ mới đến nơi được vì con đường mòn đầy những gai mắc cỡ và đá nhọn, và chúng tôi còn phải lội qua những con suối nhỏ nữa.  Vào những ngày mưa lớn thì càng khó khăn hơn vì chúng tôi phải đi vào rừng để tránh dòng suối chảy siết.  Chúng tôi thường không về trại vào buổi trưa, và họ chỉ cho phép một trại viên là  “anh nuôi” đi cùng với cán bộ vũ trang về lãnh cơm và thức ăn cho cả đội.
Công việc hàng ngày của chúng tôi là làm luống để trồng mía.  Luống mía rộng khoảng một thước rưỡi, cao khoảng năm tấc và dài tuỳ theo chiều dài của miếng đất.  Chúng tôi phải nối những đọt lá buông non lại với nhau để căng song song cách nhau khoảng bốn thước để làm chuẩn cho các luống mía.  Nếu luống mía đụng phải cây nào thì chúng tôi phải đào gốc cây ấy.  Các cánh đồng quanh phân trại K3 đã bỏ hoang lâu ngày nên cỏ tranh và bụi rậm đầy dẫy.  Đặc biệt là các cây buông mọc cùng khắp rất khó bứng đi.  Làm luống mía quả thật là một công việc nặng nhọc vì chúng tôi chỉ có mỗi người một cây cuốc mà thôi, tuy nhiên điều tốt nhất là chúng tôi cảm thấy chút nào đó tự do và quan trọng hơn cả là chúng tôi có cơ hội để thu nhặt được những thức ăn thêm.
Sau khi các luống đã thành hình, chúng tôi trồng vào đó những hom mía mà họ mua ở nơi nào đó.  Những hom mía này được cắm vào luống với góc độ khoảng ba mươi độ.  Trong vòng ba tháng lao động nặng nhọc, bốn mươi trại viên chúng tôi làm được khoảng mười mẫu mía.  Chúng tôi lại phải khai phá thêm nhiều đất và chờ cho mùa thu hoạch vụ đầu để có hom trồng cho khu đất mới vì họ không muốn bỏ tiền thêm ra mua hom mía nữa.  Cùng lúc ấy, chúng tôi phải làm cỏ cho các ruộng mía đã trồng để giúp mía dễ mọc lên.  Vụ thu hoạch mía đầu tiên diễn ra khoảng một năm sau khi cây mía bắt đầu có cờ.  Chúng tôi chặt mía sát gốc lấy ngọn trồng cho các ruộng mới và thân mía thì đem đi bán cho các lò đường.  Chúng tôi còn phải đốt lá mía ở các ruộng đã thu hoạch để giúp cho cây mía mọc lên mùa thứ hai, và họ bảo rằng mùa thứ hai này mới là mùa thu hoạch có năng suất cao nhất.  Hai mươi mẫu mía này là những ruộng mía đầu tiên mà chúng tôi đã làm ở trại Z30D.  Vài năm sau, trại thành lập lò đường và mua thêm mía của nơi khác về để nấu đường cộng thêm với mía trồng trong trại.
Đầu năm 1984, Tâm và tôi chuyển về đội mộc.  Tâm làm trong nhóm làm mộc còn tôi thì thuộc nhóm xây dựng.  Thỉnh thoảng chúng tôi cũng còn gặp nhau cho đến khi Tâm được thả ra vào cuối năm 1984.



Chương 43. Vợ Tôi Nói Tiếng “Giả Từ!”

Sau lần thăm nuôi đầu tiên thì vợ và con tôi thường lên thăm tôi khoảng hai hoặc ba tháng một lần.  Chúng tôi bắt đầu có dịp để nói được những điều mà chúng tôi muốn nói.  Cán bộ phụ trách nhà thăm gặp lần lần dễ dãi hơn.  Hắn ta không còn ngồi ở bàn nữa và còn cho chúng tôi được gặp nhau dài hơn hai mươi phút như thời hạn mà trại ấn định vì cũng không còn nhiều trại viên thăm gặp như lần đầu nữa.
Kể từ khi ấy, tôi cảm thấy chút nào đó gần gũi với vợ tôi hơn trước.  Nhưng tôi lại thấy một vài điều gì đó chia cắt chúng tôi, những điều mà tôi không thể giải thích được.  Vợ tôi trông cũng “mỏng manh”, ít nhất là diện mạo bên ngoài, vẫn là người mà tôi yêu, nhưng tôi nghĩ có lẽ cô ấy đã thay đổi.  Cô ấy có vẻ tự tin hơn trước, và tôi nghĩ cô ấy thật sự không còn “mỏng manh” như trước nữa.  Cô ấy không còn cần tôi nữa.  Ngược lại chính tôi mới là người cần cô ấy!  Tôi cũng không biết rằng vì tình yêu hay chính là những quan niệm cổ xưa đã là sợi dây trói buộc chúng tôi với nhau.  Tôi cảm thấy tội nghiệp cho vợ tôi đã phải uổng phí cuộc đời vì tôi.  Đôi khi tôi bảo vợ tôi rằng mặc dù tôi vẫn rất yêu thương cô ta nhưng tôi không muốn cô ấy phụ thuộc vào tôi nữa vì tôi không thể biết bao giờ tôi mới được thả ra.  Tôi rất mong việc ấy, nhưng mọi cái đều không còn tùy thuộc vào tôi nữa!  Tôi chỉ mong cô ta hãy nuôi dạy con chúng tôi trở nên người tốt trong xã hội mới này mà thôi.
Cuối năm 1983, trại bắt đầu cho phép những trại viên mới về từ trại Tân Lập được thăm nuôi qua đêm.  Điều này trước đây chỉ áp dụng cho những trại viên thuộc diện đặc biệt như các “đội trưởng”, “ban thi đua”, và các trại viên làm trong các “bộ phận lẻ”.  Vợ tôi bảo tôi tìm cách hỏi cán bộ để chúng tôi được gặp nhau qua đêm ít nhất một lần để chúng tôi có dịp nói những điều xảy ra trong thời gian dài mà tôi xa nhà.  Không hiểu tại sao tôi lại cảm thấy chút nào đó lo lắng về ý định này của vợ tôi.
Cán bộ quản giáo của đội lúc ấy tên là Tư.  Hắn ta cũng đang nhờ tôi làm một vài công việc riêng.  Hắn ta bảo tôi rằng hắn chỉ có thể giúp tôi được việc này nếu tôi là đội trưởng hay đội phó mà thôi vì đó là quy định của ban giám thị trại.  Hắn ta dựng ra một chức vụ mới cho tôi là “đội phó đặc trách về đời sống” cho trại viên trong đội, và đó là lần đầu tiên mà tôi được gặp vợ tôi qua đêm vào tháng mười năm 1983.
Nhà thăm gặp cho trại viên và gia đình ở qua đêm là một căn nhà lá nằm trong vòng rào đối diện với khu thăm nuôi.  Nó có bốn phòng ở hai đầu nhà để thăm gặp và một căn phòng ở giữa dành cho cán bộ.  Phòng thăm gặp là một phòng nhỏ hình vuông mỗi cạnh khoảng ba thước, vách lá và nền đất.  Chỉ có một cái giường nhỏ với chiếc chiếu cói và một cái bàn không có ghế ở bên trong phòng.  Một bóng đèn điện treo phía dưới mái nhà cung cấp một ánh sáng vàng vọt cho căn phòng.
Đêm ấy, vợ tôi đã nói rất nhiều về cuộc sống của cô ấy kể từ khi rời trường Chu Văn An để về nhà, và điều chính yếu là cô ấy muốn tôi nói với gia đình tôi để cô ấy được phép về sống với gia đình ba má cô ấy.  Tôi cũng đã biết về những sự xung khắc giữa vợ tôi với gia đình tôi từ lâu, nhưng tôi nghĩ cô ấy có thể vượt qua được những điều ấy.  Vợ tôi luôn luôn dễ hòa hợp với mọi người!  Ở lại với vợ tôi, tôi đã không thể ngủ được, suốt đêm nằm nghe những điều cô ấy nói cộng với tiếng dế và tiếng côn trùng rên rỉ bên ngoài phòng.  Trở vào trại vào chiều ngày hôm sau, tôi suy nghĩ rất nhiều về những điều mà vợ tôi đã tâm sự và bỗng cảm thấy một cái gì đó không ổn mà tôi sẽ phải đối phó trong những ngày sắp tới.  Đó không đơn giản như mọi việc bình thường.  Tôi không thể từ chối những yêu cầu của vợ tôi, nhưng tôi biết rằng tôi sẽ mất cô ấy.  Tám năm chờ đợi đã quá dài đối với cô ấy; tôi không thể nào ích kỷ!  Cô ấy phải có cuộc sống riêng, ngay cả không có tôi trong đó.  Cô ấy có thể làm việc ấy một mình, nhưng cô ấy đã hỏi tôi trước, chính điều này khiến tôi lâm vào tình trạng tiến thối lưỡng nan.  Tôi vẫn còn yêu vợ tôi quá nhiều, nhưng tôi lại không muốn cô ấy bỏ phí cuộc đời vì tôi.  Cô ấy có thể bắt đầu làm lại cuộc đời ở cái tuổi ba mươi hai; nếu không thì sẽ quá trễ!  Với ý nghĩ ấy, tôi đã viết thư cho gia đình tôi.
Hai tháng sau, vợ tôi lại lên thăm tôi lần nữa.  Cô ấy cảm ơn tôi về quyết định của tôi.  Chúng tôi ở lại với nhau đêm ấy, và đó cũng là lần cuối cùng!  Cô ấy đã dời trở về nhà với cha mẹ.
Ba tháng sau đó, vợ tôi lại lên thăm tôi.  Nhưng lần này thì cô ấy không muốn ở lại và chỉ cho tôi biết cô ấy đang sửa soạn đi ra nước ngoài với người “anh họ” của cô ấy.  Theo lời vợ tôi cho biết thì ông anh họ ấy đã di tản sang Mỹ vào năm 1975, và hiện đang có ý định bảo lãnh cô ấy sang đó với anh ta.  Tôi hoàn toàn không biết gì về ông “anh họ” này, và tôi nghĩ tôi cũng không cần phải biết.  Điều duy nhất tôi biết là lần ấy sẽ là lần cuối cô ấy lên thăm tôi.  Cô ấy trông có vẻ xa xôi đối với tôi mặc dù vẫn đang ngồi gần nhau trong nhà thăm gặp.  Cô ấy ăn mặc cũng có vẻ sang trọng hơn những lần trước.  Và cô ấy nhất định quay về nhà sau giờ thăm gặp mặc dù tôi đã xin được ở lại đêm ấy.  Vợ tôi chưa nói tiếng “từ giã” nào cả, nhưng qua thái độ của cô ấy tôi biết đó là lời nói giã từ.  Tôi phải chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra cho tôi vì “đất nước mất vào tay Cộng Sản là mất tất cả.”
Trong lần gặp nhau cuối cùng ấy, vợ tôi đã nhờ tôi ký tên vào giấy cho phép con tôi đi với cô ấy ra nước ngoài.  Tôi đợi tờ giấy ấy, nhưng mãi vẫn không thấy.  Tôi biết tôi cũng sẽ mất cả con tôi một khi tôi ký vào giấy ấy.  Tôi luôn luôn sẳn sàng chấp nhận mọi mất mát, và chỉ cầu mong cho vợ con tôi được một cuộc đời khá hơn.  Tôi đã viết rất nhiều bức thư cho vợ tôi nhưng rồi lại xé đi!  Tôi không muốn cứ mãi làm một vật cản đường tiến của cô ấy.  Cô ấy phải được đền bù cho những mất mát mà cô ấy đã phải chịu suốt tám năm trường!
Tôi phải ở trong trại bao lâu nữa đây?  Không ai biết được điều này.  Cô ấy đã hoàn toàn đúng khi viết cho tôi trong một bức thư sau đó rằng cô ấy phải “thực hiện những điều thật tế trước mắt chứ không thể mất thời giờ để chờ đợi một sự viễn vông!”  Đó là một lời “từ giã” mà tôi nhận được từ vợ tôi.  Để ghi khắc điều này, tôi quyết định bỏ hút thuốc.  Tôi trao lại cho bạn bè tất cả thuốc hút mà tôi có và nói với họ rằng kể từ giờ phút ấy sẽ không bao giờ tôi đặt một điếu thuốc lên môi.  Điều ấy quả là một điều không dễ dàng đối với một người nghiện thuốc lá như tôi, nhưng tôi quyết phải làm được việc này để chứng tỏ cho mọi người thấy tôi sẽ làm được cái mà nhiều người vẫn thường cho rằng họ chỉ có thể “bỏ được người yêu chứ không thể bỏ được thuốc lá.”  “Cô ấy đã bỏ tôi; tôi sẽ bỏ hút!”  Tôi nghĩ đó có lẽ sẽ là chấm dứt cho chuyện tình của mình, nhưng rồi nó vẫn đeo đẳng tôi mãi mãi trong suốt thời gian tôi ở trong trại cải tạo.  Nó chỉ mới là lời “từ giã” chứ vẫn chưa phải là lời “vĩnh biệt”!

(Hết chương 39 – 43 .  Xin xem tiếp chương 44 – 47)

No comments:

Post a Comment