Friday, March 21, 2014

Chương 27 – 33





Chương 27. Tôi Làm Thợ Mộc

Làm gạch quá nặng nề đối với tôi, và đi làm ngoài đồng thì những con đỉa bám đầy chân mỗi lần bước xuống nước khiến tôi rất kinh khiếp.   Vì vậy khi trại cần ai biết làm thợ mộc để biên chế vào đội mộc, tôi tình nguyện ngay dù thật tình thì tôi chẳng biết gì ngay cả việc cầm cái cưa để cưa gỗ!  Tôi cũng muốn nói ở đây là cái cưa ở Việt Nam là loại cưa khung với cái khung gỗ có hai tay cầm dài khoảng năm tấc nối liền nhau bởi một thanh gỗ nhỏ dài bằng cái lưởi cưa và được căng bằng một thanh gỗ khác ở giữa.  Cái cưa này rất khó giữ cho thăng bằng nếu chưa quen tay.
Tôi được chuyển ngay sang đội mới thành lập, đó là đội 10 và Uyển vẫn làm đội trưởng đội này.  Ngày đầu tiên đến “nhà lô” của đội, ngay phía sau vòng rào trại, để làm mộc, tôi được phân công để rọc gỗ thành những thanh gỗ khổ 4×10 phân.   Tên cán bộ quản giáo bảo tôi đặt tấm bìa gỗ dày lên trên hai cái ghế ngựa và ngồi thẳng lên đó.  Tôi phải giử lưỡi cưa bằng cả hai tay; tay mặt nắm vào một đầu ngay chỗ lưỡi cưa gắn vào khung còn tay trái thì giữ đầu kia của khung cưa.  Sau đó cả hai tay phải đưa đều lên xuống và mắt thì nhắm thẳng theo đường mực để lái lưỡi cưa cắt theo đó.  Điều này nghe cũng dễ, nhưng khi làm thì rất khó vì đó là lần đầu tiên trong đời tôi phải xẻ gỗ bằng cưa.  Lưỡi cưa cứ đi lượn vòng như con rắn bò chứ không đi theo ý mình muốn, càng lái thì nó càng bị kẹt trong gỗ khiến tôi rất khó nhọc mới đưa lên xuống được.  Chỉ một lúc sau mồ hôi đẫm ướt cả mình mẫy, và hai vai tôi ê ẩm như bị ai đánh.
Tôi ráng giử bình tỉnh và tự nhủ rằng dù sao thì còn hơn là phơi nắng và giẫm bùn suốt ngày ở chỗ làm gạch.  Ở trong trại, tôi không thể tránh không làm việc được, do đó đành phải chấp nhận cái khá nhất trong số những cái xấu!  Sau vài ngày, tôi có thể lái được lưỡi cưa theo ý mình và công việc cũng trở nên dễ dàng hơn một ít.
Thời gian sau đó, đội chúng tôi được phân công làm nhà để gia đình trại viên đến thăm nuôi.  Nhà thăm nuôi này nằm ở ngả rẽ vào phân trại K5, đối diện với chuồng bò.  Tôi lại cũng chẳng biết tí gì về kiến trúc, cho dù làm nhà gạch hay nhà lá.  Nhưng trong đội có vài người ở trại Tây Ninh đã từng làm nhà, họ trở nên những “chuyên viên” hướng dẫn chúng tôi làm việc này.
Công việc đầu tiên của tôi là phải dùng rìu để đẽo cây gỗ thành cột nhà.  Những cây này do các phạm nhân hình sự trong đội lâm sản mang về.  Trước hết tôi phải đẽo vuông cái cây rồi đẽo thành hình bát giác, sau đó dùng cái bào để bào tròn thành cột nhà.  Họ gọi là “chuông tư”, “trầm tám”, rồi “lăng cạnh”!  Để làm những xà nhà thì chỉ cần đẻo thành hình vuông rồi bào sơ cho có hình dáng.
Long và Tranh, những “chuyên viên” trong đội đặt cột và xà nhà trên mặt đất theo hình dạng của sườn nhà rồi vẽ những cái mộng và lỗ mộng cho chúng tôi đục, cưa và ráp lại thành hình.
Chúng tôi phải đào một cái ao phía sau để lấy đất đắp nền nhà.  Sau ba tuần thì sườn nhà được dựng lên, và lúc đó là lúc chúng tôi phải làm mái, làm tường, và những công việc về mộc khác.
Để làm tường bằng đất, chúng tôi phải đục những lỗ vuông nhỏ cạnh 1×3 phân trên cột và xà nhà gọi là “lỗ bua” để nhét những thanh tre vào.  Những thanh tre được nối tiếp nhau và cột dính lại thành hình dạng trông giống như mạng lưới.  Trong lúc đó thì một toán phải đào đất, trộn rơm và nước vào rồi dùng chân trần mà đạp cho thành một chất nhầy nhầy.  Chúng tôi dùng tay để trét thứ đất trộn rơm ấy vào vách để thành vách đất.
Mái nhà thì làm bằng ba lớp tre.  Những cây tre để nguyên cây gọi là “đòn tay” được cột bằng dây lạt song song theo đường ngang từ cây kèo này qua cây kèo khác với khoảng cách khoảng một thước.  Những cây nứa nhỏ được gọi là “rui” được cột vào đòn tay theo chiều dọc cách nhau khoảng năm tấc từ đòn tay trên cùng đến đòn tay cuối.  Cuối cùng là những thanh tre chẻ khoảng ba phân cột vào rui theo chiều song song với đòn tay ở khoảng cách khoảng ba tấc được gọi là “mè”.
Để lợp mái, chúng tôi dùng lá cọ non dài khoảng một thước rưỡi đến hai thước.  Chúng tôi xé hai tép nhỏ ở hai bên lá cọ, gắn nó vào mạng lưới của rui và mè theo chiều ngửa lên.  Sau ba lớp lá, chúng tôi phải cột một thanh tre để giử lá ở vị trí vì vùng này thường hay có bão.  Đỉnh của mái nhà là một hàng các cọc tre đâm xuyên qua và những cái lá cọ móc vào rồi đặt nằm chéo nhau.
Sườn nhà được nối với nhau bằng những mộng đuôi cá hay những cọc tre.  Chỉ có cửa sổ và cửa cái là dùng đinh để đóng mà thôi!  Cái nhà, hay nói đúng hơn là căn lều khoảng 8×10 thước, mà chúng tôi phải bỏ ra hai tháng trường để làm hoàn tất với công sức lao động cực nhọc của bốn mươi người chưa kể những phạm nhân hình sự cung cấp cây và lá.  Nhưng điều mà tôi thu nhận được qua thời gian này là tôi bắt đầu có một ít kinh nghiệm về việc sử dụng cưa, đục, bào và rìu, tất cả sẽ có ích cho tôi trong thời gian sắp tới.
Sau khi hoàn thành “nhà thăm nuôi” cho trại viên, đội chúng tôi, đội 10 được đặt tên là “đội mộc và xây dựng tạm thời” với nhiệm vụ làm và sửa chữa nhà cửa làm bằng cây và tre trong trại và khu cơ quan.  Trong thời gian không có công tác xây dựng thì chúng tôi được làm mộc ở nhà lô.  Một đội khác được thành lập trong lúc đó là đội 2 chuyên làm mộc gia dụng như đóng đồ đạc bằng gỗ, xẻ gỗ cung cấp cho mộc và xây dựng.
Tôi suy nghĩ rằng chỉ có cách duy nhất để tránh các công việc nặng nhọc khác ở trong trại là làm sao học nghề làm mộc để được ở lại đội 10.  Với một ít khéo léo và với khả năng về tính toán, tôi nhanh chóng bắt kịp nghề nghiệp này.  Tôi có thể tính được mọi thứ trong căn nhà và không cần phải sắp cây gỗ xuống đất theo hình dạng cái khung nhà để vẽ mộng.  Tôi chỉ cần cán bộ quản giáo cho biết về kích thước chung của căn nhà là có thể tính toán một cách chính xác bao nhiêu vật liệu để làm.   Sáu tháng sau, tôi trở thành chuyên viên cho đội!  Tôi lợi dụng việc ấy để có thể làm những điều mà tôi muốn làm theo ý mình.
Hàng ngày đến nhà lô, cán bộ quản giáo nói với đội trưởng Uyển về công việc phải làm, và rồi Uyển hỏi tôi cần bao nhiêu trại viên để làm công việc ấy.  Tôi thường yêu cầu số người nhiều hơn là nhu cầu để mọi người đều được thoải mái hơn trong công việc.  Khi làm nhà, tôi thường bảo những phạm nhân hình sự trong đội lâm sản chất những thứ cần thiết theo từng loại để chúng tôi khỏi phải di chuyển quá nhiều, điều đó có thể làm chúng tôi rất mệt nhất là với tình trạng thiếu dinh dưỡng ở trong trại.  Mọi điều mà tôi tính toán đều với mục đích là làm thế nào để tránh cho chúng tôi mất sức.  Chúng tôi phải tránh sự tiêu hao năng lượng cho chúng tôi trong hoàn cảnh này để còn có thể sống sót!
Luôn luôn có những điều ngộ nghĩnh xảy ra trong mọi tình huống, ngay cả trong những tình cảnh bi đát nhất.  Ở trại Tân Lập thì hầu hết nhà cửa là nhà “tạm thời”, nghĩa là nhà làm bằng tre, gỗ và lá cọ.  Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm, và đôi lúc chính điều này đã tạo nên một cảnh ngộ trái ngược.  Các cán bộ và gia đình của họ cần nhà để ở, cần chòi để nuôi heo gà vân vân, và chúng tôi lại là những người làm ra những thứ mà họ cần.  Nhà tốt hay xấu là tùy thuộc vào chúng tôi!  Còn chúng tôi thì cần cái gì?  Tất nhiên điều mà tù cải tạo nào cũng cần là thức ăn và công việc làm nhẹ nhàng!   Tôi không bao giờ quên cơ hội để đòi hỏi những thứ cần thiết cho cuộc sống của chúng tôi như gà, thịt, trứng, khoai mì, và ngay cả rau.  Họ khó có thể từ chối những điều yêu cầu ấy vì họ luôn muốn chúng tôi làm việc tốt cho họ.   “Chúng tôi luôn muốn làm tốt mọi việc và làm nhanh cho các ông, nhưng như các ông thấy, chúng tôi không đủ sức.  Nếu các ông có món gì đó để bồi dưỡng cho chúng tôi, món gì cũng được, tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm việc tốt hơn”.  Đó là câu nói đầu môi của tôi mỗi lần tôi muốn hỏi xin thức ăn cho chúng tôi khi làm việc cho họ.
Có một lần chúng tôi làm một căn nhà bảy gian cho khu gia đình cơ quan, khi đặt cây đòn tay ở nóc nhà, tôi thấy vài người mang đồ đến cúng rồi tặng cho chúng tôi đồ cúng ấy.  Tôi hỏi xem họ làm gì vậy thì họ cho biết cây đòn tay là một vật quan trọng nhất trong cái nhà, và theo sự tin tưởng của họ, họ yêu cầu chúng tôi trân trọng khi đặt đòn tay cho căn nhà để họ có may mắn khi sống trong nhà ấy.  Chúng tôi thì chẳng cần điều gì ngoài phẩm vật của họ!  Kể từ đó, chúng tôi đã biết được rằng cho dù là Cộng Sản, họ cũng rất mê tín.
Một lần khác khi làm cửa nhà cho họ, chúng tôi làm cửa trước và cửa sau thẳng đường từ trước ra sau.  Họ đến yêu cầu tôi cho làm chéo qua một chút.  Tôi biết đó cũng là một điều mê tín, do đó tôi bảo với họ rằng đó là ý kiến của “ban kế hoạch trại”.  Một lát sau họ mang đến cho chúng tôi một bao bo bo và bảo tôi làm dùm họ điều mà họ muốn.  Chúng tôi chia nhau phần bo bo rồi vừa sửa lại mà vừa cười với nhau!
Sự thiếu ăn và cái đói là điểm chính yếu trong trại cải tạo.  Đội chúng tôi dù được làm những việc tương đối nhẹ nhàng hơn vài đội khác nhưng lại không có được những “bồi dưỡng” như những đội nông nghiệp, do đó tôi đã phải yêu cầu cán bộ quản giáo cho trồng cái gì đó để trại viên trong đội có thêm phần ăn.  Ông ta cho phép Niệt, một trại viên trong đội làm việc ấy.  Sau vài tháng, Niệt thay luôn người phạm nhân hình sự và trở thành trại viên “diện rộng” làm riêng cho cán bộ quản giáo.  Niệt trồng cho đội giàn bầu và vài luống rau, ngoài ra anh ta còn có nhiệm vụ đi kiếm thêm thức ăn cho cán bộ quản giáo.  Đôi lúc anh ta mang vào phòng cho riêng tôi một ít thức ăn mà anh ấy kiếm được.  Trong cái địa ngục như trại Tân Lập, không có gì quan trọng hơn thức ăn, mọi loại thức ăn, bởi vì mọi người đều đói!
Đầu năm 1978, Uyển chuyển qua làm trong ban “Thi Đua”.  Ban Giám Thị đưa Yêm từ K1 qua làm đội trưởng đội 10.  Yêm chưa biết gì về mộc và xây dựng, nhưng vì là đội trưởng anh ta muốn nắm lấy trách nhiệm.  Anh ta đưa tôi vào làm mộc ở nhà lô thay vì làm công việc xây dựng.  Đó là thời gian mà tôi có dịp để học đóng đồ gia dụng.  Công việc này tương đối nhẹ hơn làm xây dựng, nhưng phải ở tại nhà lô và không có thêm được thức ăn “bồi dưỡng”.  Điều này rất quan trọng cho chúng tôi.
Trong trại, chúng tôi thường làm giường, tủ chạn, bàn ghế cho cán bộ và gia đình.  Đôi khi họ còn bảo tôi làm dùm “hòm” (rương đựng quần áo làm bằng gỗ).  Việc này thường là công việc làm riêng tư, không có trong kế hoạch của trại, do đó tôi lại có cơ hội để yêu cầu họ cung cấp cho tôi món này món nọ.
Sau vài tuần lễ, Yêm không thể nào làm được việc của đội, đặc biệt là khi làm căn nhà khá lớn, do đó cán bộ quản giáo và cán bộ kế hoạch của trại bảo tôi phải trở lại làm việc như là chuyên viên về xây dựng cho đội.  Tôi làm công việc này vì tôi biết họ cần tôi trong công tác xây dựng, và đó cũng là cơ hội để tôi có thể tránh được công việc nặng nề và có cơ hội giúp các trại viên khác trong đội.
Cũng vì điều này đã khiến có lần tôi suýt bị nguy hiểm khi ban giám thị trại có ý định chơi trò chơi dân chủ trong trại bằng cách cho phép trại viên bầu ban thi đua và các đội trưởng.  Tôi đã cảm thấy đó là một chiến thuật của VC để loại trừ những trại viên nào được các trại viên khác có cảm tình.
Trong đội tôi, dưới sự chủ trì của cán bộ quản giáo, các trại viên đã đề cử đội trưởng Yêm, đội phó Sinh, và tôi ra để được bầu vào chức vụ đội trưởng.  Sau cuộc bầu cử, tôi lại là người được một trăm phần trăm phiếu bầu của các trại viên trong đội.  Một buổi họp của Ban Giám Thị với Bích, một phạm nhân hình sự làm trưởng ban thi đua, đã đi đến kết luận là phải chuyển tất cả những người đã được các trại viên tín nhiệm đi đến phân trại khác, trong đó có tên tôi.  Uyển, Yêm và vài người nữa được chuyển đi K1, nhưng họ giữ tôi lại vì lý do không có người thay thế để làm công việc xây dựng.   Tôi ở lại đội 10 với nhiệm vụ củ là “chuyên viên về xây dựng”, và họ đưa Tống từ K1 sang làm đội trưởng đội 10.
Các trại viên đến đội 10 và đi khỏi đội, các trại viên được chuyển đến trại Tân Lập và rồi được thả ra khỏi trại; nhiều cán bộ quản giáo đến phụ trách đội 10 và chuyển đi đội khác.   Tôi vẫn cứ ở đội ấy hầu hết thời gian từ đầu cho đến khi rời trại Tân Lập để đi về miền Nam.  Long, Tranh, Tánh, và những trại viên trong nhóm 410 người trên chiếc tàu “Sông Hương” đã được thả ra khỏi trại từ đội 10.  Vui, Nam, Giới, Tứ, và những trại viên khác được chuyển đến trại Tân Lập từ Lào Kai, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn vân vân là những trại viên cuối cùng của đội 10.  Nhưng chỉ có tôi là ở đội ấy từ đầu đến cuối.
Cũng không phải tất cả mọi việc đều trôi chảy!   Mặc dù chúng tôi thường làm trong nhà lô, “nắng không tới mặt, mưa chẳng tới đầu”, nhưng rồi cũng luôn luôn có những việc ngoại lệ.  Trong mùa giông bão, và miền Bắc Việt Nam thì thường có giông bão, chúng tôi phải đi sửa mái nhà trong trại và khu cơ quan trong khi các đội khác thì được nghỉ.  Mái nhà làm bằng lá cọ rất dể bị tung bay trong gió bão nên chúng tôi không bao giờ được nghỉ ngơi trong mùa này!
Thêm vào đó, chúng tôi làm việc nguy hiểm mà không có trang bị an toàn nào cả.  Làm việc trên mái nhà, đặc biệt là vào mùa đông khi có mưa phùn và gió bấc, những sợi lạt tre rất bén dễ cắt đứt tay.  Tôi đã té xuống đất một lần từ mái khi cột dây lạt và dây bị đứt làm mất thăng bằng.  May mắn là tôi rơi trúng đống lá cọ nên chỉ mất một cái răng chứ không bị thương nặng.   Nếu không có đống lá thì không biết tôi sẽ ra sao?
Một lần khác, ba trại viên trong đội cùng tôi phải đi cắt một cây sung ở bờ suối A-Mai về làm cột nhà.  Hôm ấy trời mưa nhỏ chứ chưa phải là mưa to.  Sung là một loại cây có nhiều nhựa rất khó cưa ngang bằng cái cưa cá mập.  Cây lại nằm ở bờ suối ngay chỗ giáp với mặt nước.  Chúng tôi không thể đứng dưới nước để cưa nên chúng tôi phải đóng cái ghế ngựa vào thân cây và ngồi trên ghế để cưa cây.  Mực nước càng lúc càng dâng lên cao.   Có lẽ là đang mưa to ở trên nguồn.  Lúc đầu thì cây sung nằm gần bờ nhưng lần lần thấy bờ càng xa ra.  Khi đã cắt xong thì chúng tôi không còn làm cách nào khác hơn là bám vào thân cây để nó trôi theo dòng nước đang chảy xiết.  Một lần may mắn nữa là cây sung lại trôi tấp vào bờ; chúng tôi lôi nó lên bờ và đi về nhà lô với quần áo ướt và lạnh.
Năm năm ở trại Tân Lập quả là quá dài để quen dần với mọi thứ.  Kể từ lúc bắt đầu chưa biết làm mộc là gì cho đến lúc có thể làm được hết mọi việc và thành một thứ chuyên viên cần thiết cho việc xây dựng trong trại, tôi đã phải vượt qua biết bao nhiêu là khó khăn!  Cán bộ và ban giám thị lần lần biết tôi.  Đầu năm 1981, nhà lô đội 10 chuyển qua địa điểm mới, ở gần bộ chỉ huy trại và nằm cạnh vườn cam.   Tôi có thể đi ra nhà lô một mình mà không cần phải có cán bộ đi theo trông chừng.  Đôi khi ban giám thị trại còn cho phép tôi được đi một mình ra nhà dân để quan sát lấy ý về để làm nhà cho cơ quan.  Tôi nghĩ tôi có thể nhân đó mà trốn trại được và họ chỉ có thể phát hiện khi điểm buồng vào buổi tối mà thôi.  Nhưng như tôi đã nói từ trước, trại Tân Lập bao quanh bởi núi rừng và thật sự tôi không biết đi đâu khi trốn ra khỏi trại!  Cũng đã có vài cuộc trốn trại nhưng chưa một ai đi được xa vì tất cả đều bị những người dân miền núi trong vùng bắt nộp về trại để nhận phần thưởng là một ít gạo và thực phẩm.  Mọi cuộc trốn trại bị thất bại đều dẫn đến cái chết bằng cách này hay cách khác sau khi bị biệt giam một thời gian dài.
Một mẫu chuyện tình trong đời cải tạo:  Khi nhà lô mới của đội 10 dời về khu vườn cam, nó cũng nằm gần nhà giữ trẻ cho gia đình cán bộ.  Cô giáo nhà trẻ tên là Lan thường đến nhà lô để nhờ tôi làm dùm thước kẻ.  Lúc đầu tôi không chú ý gì đến cô ta vì cô ta là “cán bộ”.  Nhưng lâu dần điều ấy trở thành thường xuyên, và cô ta chỉ nhờ tôi làm dùm công việc này trong khi có nhiều trại viên khác làm trong nhà lô.  Mỗi lần có dịp đến để sửa chữa trong nhà trẻ, học sinh của cô ta lại cho tôi biết rằng cô giáo đang “trang điểm” trước khi ra gặp tôi!  Vài người bạn trong đội và ngay cán bộ quản giáo cũng biết điều này, nhưng họ chỉ cười với tôi mỗi khi thấy cô ấy đi tới nhà lô.   Lan không đẹp nhưng có nụ cười hấp dẩn và thân hình cân đối, có lẽ vì cô ấy lao động từ bé.  Sự quan hệ của chúng tôi dần dần trở nên gần hơn cho đến khi tôi chuyển về miền Nam đầu năm 1982.  Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không chuyển khỏi trại Tân Lập?
Không chỉ mình tôi mà một số trại viên khác cũng bắt đầu có những sự quan hệ với các cán bộ nữ.  Bên cạnh đó thì sự quan hệ giữa trại viên, nhất là những người trong đội lâm sản với dân quanh vùng càng lúc càng nhiều hơn. Thật là một tình trạng đảo ngược! Tôi có thể nói rằng “chính sách của Đảng và Nhà Nước trước sau như một”, nhưng mà quan điểm của con người thì đã bắt đầu thay đổi!



Chương 28. Dưới Hai Tầng Áp Bức

Trại Tân Lập không phải là một trại mới xây như tên gọi của nó.  Tân Lập là một mẫu mực của một trại cải tạo của Việt Cộng bởi vì nó đã được thành lập từ thời 1954 sau khi Cộng Sản thôn tính miền Bắc Việt Nam.  Nó đã từng là trại giam giữ các nhân viên của thời Pháp.  Trong phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm” 1955 ở miền Bắc, nó lại được dùng để tập trung các văn thi sĩ có những tư tưởng chống Cộng.  Tân Lập cũng đã từng là nơi để nhốt những địa chủ trong giai đoạn “Cải Cách Ruộng Đất” ở miền Bắc sau 1954.  Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, các tù binh Mỹ cũng đã bị giam ở đó.  Trước khi chúng tôi đến trại thì Tân Lập đã là trại cải tạo các thiếu nhi phạm pháp và các trẻ bụi đời.  Với một lịch sử như vậy, Tân Lập là một trại cải tạo tổ chức rất hoàn hảo.
Cơ cấu tổ chức nhân sự của trại Tân Lập gồm hai thành phần: Các đơn vị Công An VC quản lý trại và các trại viên.
Các sĩ quan công an VC được chia làm hai bộ phận, “Ban Giám Thị” và “Hội Đồng Cán Bộ”. Ban Giám Thị hay Ban Chỉ Huy trại gồm những Công An trông coi các việc điều hành chung trong trại như Trưởng trại, các trại phó đặc trách mỗi K, các trại phó trông coi các ban ngành như kế hoạch, giáo dục, chấp pháp, và an ninh.  Hội đồng cán bộ bao gồm hai bộ phận chính, đó là các cán bộ quản giáo trông coi trại viên trong mỗi đội và các cán bộ vũ trang hay cán bộ “bảo vệ” có nhiệm vụ canh gác trại và quan sát trại viên lao động bên ngoài trại.
Trại viên trong trại được chia thành từng đội và tổ.  Mỗi đội gồm khoảng từ ba mươi đến bốn mươi trại viên với một trại viên được sự tín nhiệm của ban giám thị hay cán bộ quản giáo làm đội trưởng.  Đội được chia thành ba hay bốn tổ tùy theo công việc của từng đội.  Mỗi tổ có khoảng mười trại viên và có một tổ trưởng trông coi công việc lao động do đội trưởng hay cán bộ quản giáo giao phó cho tổ ấy.
Một tổ chức đặc biệt của trại Tân Lập là cái gọi là “Ban Thi Đua” gồm có “Thường Trực Thi Đua” và “Hội Đồng Tự Quản” bao gồm các đội trưởng.  Đó là những cái tai và mắt của Ban Giám Thị và Hội Đồng Cán Bộ.
Khi chúng tôi vừa đến trại Tân Lập thì cái gọi là “Thường Trực Thi Đua” nằm trong tay của các tội nhân hình sự, với Bích, một tên “mắt lé răng hô”, và Khôi nắm giữ mọi sinh hoạt trong trại.  Chúng rất có thế lực!  Có lần tôi được gọi lên văn phòng của chúng để kẻ khẩu hiệu, tôi thấy có một cán bộ kế hoạch của trại vào để hỏi vài trại viên đi theo làm công việc gì đó.  Bích đang nằm để một phạm nhân xoa bóp trong phòng riêng phía bên trong văn phòng của thường trực thi đua; hắn ta la lớn lên rằng “bảo ông ta đợi tôi, tôi đang bận!”  Tôi không hiểu hắn ta là loại tù gì?  Nếu là trại viên thì chắc đã bị phạt nặng lắm rồi!
Còn Khôi thì hàng mỗi buổi sáng ngồi ở bệnh xá để cho phép trại viên được nghỉ bệnh trong trại hay không.  Các trại viên nào muốn khỏi đi lao động thì phải có cái gì đó đút lót cho hắn!
Trong khi trại viên chỉ có một chén nhỏ bo bo thì chúng có đầy dẫy thức ăn; trong khi trại viên bị nhốt trong phòng giam thì chúng có riêng phòng ngủ và có riêng những người phục dịch để giặt giũ và ủi áo quần!  Chúng dường như là những ông vua ở trong trại.  Không ai biết về tội trạng của chúng và án tù mà chúng bị xử.  Tôi nghe vài phạm nhân hình sự bảo rằng Bích đã từng là một cán bộ kinh tài làm trong bộ tài chánh ở Hà Nội, thủ đô của Bắc Việt.  Hắn ta ăn cắp tiền của bộ và bị xử hai mươi năm.  Khôi thì là một sĩ quan ở địa phương có tội giết vợ nên bị tù chung thân. Ban Giám Thị trại rất tin tưởng bọn chúng nên trao cho bọn chúng hết mọi quyền hành trong trại.
Vào năm 1978, vài trại viên trong nhóm “Chế độ cũ của miền Nam” gia nhập vào “Thường Trực Thi Đua”.  Khôi được dời đi K1, nhưng Bích thì vẫn là trưởng ban thi đua cho đến khi được tha ra khỏi trại vào năm 1981.
Tôi không muốn phê bình hay kết án các hành động của Ban Thi Đua trong nhóm của các trại viên đến từ miền Nam.  Tôi chỉ muốn kể lại ở đây những gì đã xảy ra ở trại Tân Lập.  Đối với những ai đã ở trại Tân Lập thì tôi nghĩ họ đã biết quá nhiều về các Thường Trực Thi Đua này.  Còn đối với những người khác thì tôi nghĩ chắc là khó có thể tin được những việc làm của họ là sự thật.  Đôi khi chính tôi còn phải tự hỏi rằng những người ấy là công an của VC hay là tù cải tạo?
Uyển, Bình, Tú, Diêu vân vân là những “thường trực thi đua” được điều khiển bởi Bích và hành động cũng giống như Bích.  Trại viên trong trại bị áp bức bởi hai bộ phận: Các Cán Bộ và các Thi Đua.  Điều nguy hiểm của Cộng Sản là chúng dùng thủ đoạn “ném đá dấu tay”, dùng Thi Đua như một công cụ của chúng để điều hành trại.  Các cán bộ thì luôn miệng nói rằng “đường lối và chính sách của Đảng và Nhà Nước” là không đánh đập hay hành hạ trại viên để trả thù, và nếu có những hành động xấu nào đó xảy ra thì đó là hành động của từng cá nhân chứ không phải là chính sách của Đảng và Nhà Nước.  Những điều mà các Thi Đua làm đó là do ý của họ chứ không phải là do Ban Giám Thị và Hội Đồng Cán Bộ!
Nhiều trại viên đã không thù hận các VC mà lại thù hận những thi đua, và họ đã quên rằng chính các thi đua là những người thi hành những chỉ thị của Ban Giám Thị trại.
Các Thường Trực Thi Đua đứng bên ngoài phòng giam để quan sát, nghe lén, và phê bình các buổi họp của trại viên.
Các Thường Trực Thi Đua tổ chức riêng cho mình những hệ thống ăn-ten gồm những trại viên làm tai mắt cho chúng.
Các Thường Trực Thi Đua gọi những trại viên vi phạm nội quy của trại lên văn phòng và đánh đập các trại viên ấy.
Các Thường Trực Thi Đua bắt buộc các trại viên bị bệnh phải đi lao động.
Rất nhiều hành động của Thường Trực Thi Đua đã tạo nên những căm thù trong trại viên.
Cái chiến thuật này của Cộng Sản đã rất thành công trong trại cải tạo, đặc biệt là ở trại Tân Lập.  Trại viên sợ hãi các thường trực thi đua như Bích, Uyển, Bình, Tú, Diêu, vân vân, hơn cả những cán bộ trong ban giám thị như Thùy, Bảng, hay Trung.



Chương 29. Quay Đầu Về Núi!

Mùa Đông năm 1977, đó là mùa Đông đầu tiên mà chúng tôi phải chịu ở miền Bắc Việt Nam.  Thời tiết rất lạnh, nhất là đối với chúng tôi, những trại viên bị ốm đói, không đủ quần áo che thân, và ngủ không có chăn mền trong những phòng giam mà cửa sổ luôn luôn được mở rộng để dễ kiểm tra bên trong.  Mưa phùn và gió bấc là những điều mà trước kia chúng tôi chỉ được đọc trong các tiểu thuyết viết về sự đau khổ của những người nghèo ở miền Bắc.  Giờ đây chúng tôi phải sống với những thứ đó trong một tình trạng còn tồi tệ hơn cả những người nghèo, trong cái địa ngục của thế gian!
Lưu Đình Việp, nguyên chánh nhất của tòa thượng thẩm Sài Gòn đã bị bệnh tiểu đường.  Ông ta làm trong đội “rau xanh”.  Một hôm nọ ông ta bị con đỉa cắn vào chân; máu không cầm được mà lại không thể ở trong trại để nghỉ ngơi.  Hàng ngày ông phải gánh những gánh gọi là “phân tươi” để tưới rau.  Phân tươi còn gọi là “phân bắc” là phân lấy từ nhà cầu của trại viên trộn với nước suối.  Vết thương của ông ta bị làm độc và không có thuốc men gì nên ông bị chết sau vài tuần lễ!  Ông ta là người trại viên đầu tiên chết ở trại cải tạo Tân Lập.
Sau đó thì trại viên thay phiên nhau chết từng người một.  Vài trại viên đã ngã ra chết khi đang hút thuốc lào; tay của họ còn nắm cái điếu.  Vài người chết trong lúc lao động.  Có người thì chết trong lúc đang ngủ.
Lúc ấy tôi đang làm trong đội 10, đội “mộc”.  Tôi phải đóng quan tài gần như hàng ngày, và những tội nhân hình sự trong “đội lâm sản” thì mang người chết đi chôn.
Hôm ấy là một đêm mùa Đông vào tháng chạp năm 1977.  Chúng tôi đang ngồi họp sau bửa ăn chiều trong phòng giam khi đã bị nhốt vào phòng thì nghe tiếng lanh canh mở khóa phòng giam làm gián đoạn buổi họp của chúng tôi.  Cán bộ quản giáo của đội 10 vào và bảo Uyển, đội trưởng đội 10 cho năm  người đi với ông ta.  Lúc đó vào khoảng chín giờ tối.  Hôm ấy là phiên trực của tôi do đó tôi đi cùng bốn trại viên khác trong đội để đến nhà lô của đội đóng một cái quan tài chôn một trại viên vừa chết cách đó khoảng một tiếng đồng hồ.  Điều này rất là bất thường vì chúng tôi vẫn thường làm việc này trong giờ lao động mà thôi.
Đóng một cái quan tài!  Nói thì dễ hơn làm vì chúng tôi không có sẵn gỗ ván theo kích thước.  Chúng tôi phải cưa gỗ bằng cưa tay để có được theo đúng kích thước, phải bào cho nhẵn và rồi lại phải rong cạnh cho thẳng để có thể ghép vào nhau được.  Tiếp theo đó thì chúng tôi đóng thành một cái quan tài hình hộp vuông dài hai thước với các cạnh năm và sáu tấc có sẵn cái nắp để đóng đinh vào.  Chiếc quan tài làm xong vào khoảng nửa đêm; chúng tôi khiêng nó vào bệnh xá để đặt tử thi và đồ đạc của anh ta vào đó.
Với hai sợi dây cột vào hai đầu của quan tài, chúng tôi luồn một thanh đòn tre ngang qua cho dễ khiêng bằng vai.  Một người trong chúng tôi bưng một cái mâm gồm một chén cơm, vài trái chuối, vài cây nhang, và hai cây đèn cầy.  Một người khác thì cầm cây đuốc để soi đường vì lúc ấy trời rất tối.  Một người nữa thì cầm mấy cái xẻng, và hai người còn lại thì khiêng quan tài.  Cán bộ quản giáo đi phía trước còn hai cán bộ vũ trang thì đi phía sau, chúng tôi đi trên một con đường đất sét dốc ngược về phía K4 của trại.  Cái nghĩa trang để chôn trại viên bị chết nằm trên đỉnh của một ngọn đồi trước dùng để trồng cây trà, nằm cách K5 khoảng mười cây số.
Dưới ánh đuốc lung linh, những ngôi mộ đất nhỏ nằm không theo thứ tự trông giống như những luống cày dở dang.  Bạn bè của chúng tôi đang nằm đó!  Nhưng ít ra thì thân xác và linh hồn của họ không còn bị hành hạ nữa, và gia đình họ cũng không còn phải chờ đợi họ một cách vô vọng nữa!
Thọ, một trại viên trong đội văn nghệ đã viết một bài ca có tựa đề là “Quay đầu về núi”.
“Rồi một ngày mai anh chết đi, em không còn phải đợi phải mong.  Và rồi một ngày mai anh chết đi, thân xác anh quay đầu về núi, trong mộ phần không chút khói hương…. Xin em trồng giữa mộ anh một loài hoa nhỏ dại không tên.”
Cái huyệt hố đã được các phạm nhân hình sự đào sẵn.  Chúng tôi đặt quan tài gần bên cạnh hố, đốt mấy cây nhang và hai cây đèn cầy, đặt cơm, muối, và mấy trái chuối lên mâm.  Tôi khấn thầm cho anh ta được bình an nơi thiên đàng, và rồi chúng tôi thòng quan tài xuống dưới huyệt, lấp đất lại và trở về trại.
Trời đã bắt đầu hừng đông; chúng tôi được phát mỗi người một chén cơm và ít muối để bồi dưỡng cho việc làm này và được cho phép nghỉ trong trại hôm ấy, không phải đi lao động.  Đó là lần đầu tiên tôi đi chôn một người bạn tù, tôi không nhớ được tên anh ta.  Nhưng đó không phải là lần cuối cùng vì sau đó chúng tôi phải thay phiên nhau đi hầu như hàng đêm!
Đầu tiên, chúng tôi đóng quan tài khi có người chết; sau đó chúng tôi đóng sẵn để chờ người chết.  Trại viên chết quá nhiều, chết vì đói, vì bệnh không có thuốc, vì kiệt sức.  Chúng tôi không còn gỗ để đóng quan tài nữa, do đó chúng tôi phải dùng một cái quan tài cho nhiều người chết.  Chúng tôi đặt người chết và đồ đạc của họ quấn trong chiếc chiếu vào trong quan tài, mang đến mộ phần của họ, chôn tất cả xuống mộ và mang chiếc quan tài trống trở về cho người chết khác!
Đỉnh đồi sau đó đã đầy, chúng tôi phải dời qua một đỉnh đồi khác để lập một nghĩa trang mới.  Trại Tân Lập nằm trong một thung lũng bao quanh bởi núi, do đó tất cả các người chết đều được quay đầu về núi cho dù có chôn họ theo hướng nào đi nữa!



Chương 30. Đói!

Đó có lẽ là điều chính yếu trong tất cả các trại cải tạo, và ở trại Tân Lập thì đó lại là một vấn đề quan trọng giữa cái sống và cái chết.  Rất khó có thể diễn tả được cái đói trong trại cải tạo bởi vì nó khác hơn mọi cái đói khác.  Người ta đói vì không có gì ăn.  Trại viên thì đói mặc dù vẫn có ăn ngày ba bữa!
Ngày đầu tiên đến trại Tân Lập, chúng tôi được một bữa ăn thịnh soạn gồm cơm, thịt trâu và thịt heo.  Vài ngày sau thì chúng tôi vẫn có cơm độn với một ít bo bo với một ít canh bí đỏ.  Nhưng rồi thì bo bo được lần lần thay cho gạo cho đến khi chúng tôi chỉ được chín mươi phần trăm bo bo với một chút cơm và đôi khi không có một tí cơm nào nữa hết.
Cao lương hay bo bo là một loại thực phẩm gia súc được viện trợ từ Ấn Độ.  Hột bo bo lớn khoảng một phần tư hạt bắp với cái vỏ cứng và dầy hơn hạt bắp.  Bo bo chưa xay vỏ rất khó nấu chín, và cái vỏ thì cũng rất khó lột ra ngay cả nấu thật lâu đi nữa!
Đầu tiên thì chúng tôi nhai bo bo giống như ăn cơm, nhưng rồi chúng tôi khám phá ra rằng bo bo bị tiêu hóa ra ngoài nguyên cả hột.  Chúng tôi phải nhai kỷ hơn, nhưng mà cái vỏ cứng của nó khiến răng và hàm chúng tôi đau chịu không nỗi.  Chúng tôi lại phải giã nó ra, và vài người còn nấu lại trước khi ăn nữa.
Cái đói đã tạo nên nhiều hành động rất là bi hài, đặc biệt là khi chia phần ăn.  Khi đi lấy bo bo ở nhà bếp về cho đội thì phải có ít nhất là hai trại viên đi cùng.  Một người để mang bo bo còn người kia thì đi theo để kiểm soát vì mọi người đều nghi rằng bo bo bị cắt bớt trên đường từ bếp về đến đội.  Để chia phần ăn, các trại viên thường dùng thành ngữ “công bằng và chính xác!”  Nhưng rồi ai cũng nghĩ rằng phần của mình ít hơn của người khác.  Trại viên không tin tưởng vào những cái chén hay cái muôi (muỗng canh) nữa, do đó vài người đã chế ra những cái cân làm bằng thanh tre với một hòn đá cột ở một đầu và cái đĩa cột ở đầu kia để chia phần ăn.  Cũng chưa đủ, có người còn đề nghị đếm số theo một thứ tự nào đó hay bắt số theo một quy ước nào đó rồi người đầu tiên lấy phần ăn cho dù đó không phải là cái chén của mình.  Thật là một bi hài kịch!  Một tục ngữ Việt Nam nói rằng: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu.”  Điều này trông rất rõ ràng trong trại cải tạo.
Bữa ăn của trại viên thường là một chén nhỏ bo bo hay một thứ gì đó xem như tương đương với cơm, và một chén canh rau.  Bát canh rau này thường là nước muối có một vài cọng rau như lá xanh của bắp cải, lá của su hào, lá cải củ, hay rau muống, tùy theo từng mùa.  Cái gọi là “những thứ tương đương với cơm” là những cái mà trại có như bo bo, khoai mì, khoai lang, bắp, và đôi khi bánh bột mì.
Khoai mì hay sắn là thường xuyên nhất vì đó là sản phẩm chính của tỉnh Vĩnh Phú.  Chúng tôi đặt cho nó một cái tên là “bạch sâm”!  Điều tệ hại là chúng tôi ít khi được ăn khoai mì tươi mà thường là khoai mì khô: Sắn lát hay sắn duôi!  Sắn lát (chúng tôi gọi là nút chai) hay sắn duôi (cắt thành sợi) được cắt từ nguyên củ khoai mì kể cả vỏ và tim, được phơi nắng (và phơi cả mưa), và được trữ lâu ngày trong nhà kho, do đó chúng thường rất dai và mốc.  Sau khi được nấu lên, sắn lát chỉ chín ở lớp ngoài còn bên trong thì vẫn còn sống, còn sắn duôi thì biến thành một chất cháo nhầy nhụa.
Khoai mì, khoai lang, và bắp là những thứ nông sản mà dân địa phương thường nộp thuế nông nghiệp cho nhà nước.  Dân chúng trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa không nộp thuế bằng tiền, đặc biệt là thuế nông nghiệp; họ đóng bằng những nông phẩm của họ để thay vào đó.  Sau vụ mùa, chúng tôi thường thấy những người dân địa phương sống vùng quanh trại gánh sắn duôi, sắn lát, khoai lang, và bắp vào trại để nộp thay vì nộp cho chính quyền địa phương.
Dân chúng trong vùng rất nghèo, họ là những người dân sơn cước như người Tày, Mường, H”Mông, hay những người dân sống trong xóm đạo (Công giáo) bị chuyển từ những thành phố lớn như Hà Nội, Nam Định về đây sau năm 1954 để xây dựng “khu tinh tế mới”.  Để thực hiện chính sách đàn áp tôn giáo đặc biệt là Công giáo, và để tịch thu tài sản của những người giàu có và những gia đình của những người làm cho chế độ cũ, Cộng Sản đã thiết lập những cái gọi là “khu kinh tế mới” ở những vùng xa xôi hẻo lánh và bắt những người dân này đến để khai phá.  Vài địa danh như Bến Ngọc, A-Mai, và dốc Trinh là tên của những người đầu tiên đến khu này.  Ngọc là tên của một ông cả trong làng người đã lập ra cái bến, A-Mai là người chết đầu tiên trong dòng suối, và Trinh là tên một cô gái vẫn còn sống, người đã bị VC hiếp dâm và vẫn thường đi lang thang trên đầu dốc gần trại.
Dân chúng sống quanh trại rất nghèo đến nỗi không đủ áo quần để mặc; họ trao đổi mọi thứ có được để lấy cả mấy bộ đồ tù!  Vài trại viên phải đưa áo quần trại cho các phạm nhân hình sự nhờ đổi dùm thức ăn mặc dù họ biết chắc rằng những phạm nhân hình sự này sẽ cắt xén rất nhiều của họ.  Trong tình trạng đói kém thì có được một ít còn hơn là không có gì cả!  Quần áo rách còn có thể vá lại được chứ cái đói thì không thể trị được.  Một bộ áo quần đổi lấy một ký bo bo, ba kí lô sắn, hay nửa ký lô gạo, sau một thời gian ngắn những trại viên mới đến còn tả tơi hơn những phạm nhân hình sự.
Theo kỷ luật của trại, trại viên không được phép mua bán đổi chác bất cứ vật gì.  Đôi khi các cán bộ lại đứng ra làm trung gian để kiếm lời; họ bảo rằng làm như thế thì đôi bên đều có lợi.  Các phạm nhân hình sự trong đội lâm sản và ở diện rộng là những người thu lợi nhiều nhất trong dịch vụ này.
Nhiều sự vi phạm kỷ luật của trại bắt nguồn từ cái đói mà ra đã bị nâng lên như là những vi phạm do từ quan điểm của trại viên.  Một trại viên chỉ nhặt quả bí đỏ để ăn vì quá đói đã bị xử phạt rất nặng vì đã phá hoại tài sản của trại, tài sản của Đảng và Nhà Nước, và tài sản của Xã Hội Chủ Nghĩa!  Nhiều trại viên đã bị chết trong các nhà biệt giam chỉ vì vài cọng rau mà họ thu nhặt lúc làm lao động trên cánh đồng.
Đôi khi chúng tôi cũng được trại phát cho một ít đường, chỉ một ít khoảng độ một trăm gram cho mỗi trại viên.  Những hạt đường ấy dường như thấm sâu vào từng tế bào vị giác trên đầu lưỡi của tôi.  Vài trại viên còn ngồi đếm từng hạt đường mà anh ta bỏ vào miệng.  Không chỉ đường mà thôi, muối cũng rất hiếm trong trại.  Tôi vẫn luôn nhớ một lần vào năm 1978, chúng tôi đang đắp nền cho một căn nhà của khu gia đình cán bộ nằm trên một khoảng đất trồng khoai lang.  Chúng tôi nhìn một cách thèm thuồng những củ khoai thu nhặt cho các cán bộ.  Tôi cố hỏi xin cán bộ quản giáo các lá khoai lang để “bồi dưởng” cho đội.  Chúng tôi không có muối để ăn với lá khoai lang luộc, và chúng tôi cũng không được phép mang bất cứ vật gì vào trại.  Chúng tôi đành phải ăn những lá khoai nhạt phèo đó để lấp cho đầy cái dạ dày đang trống rỗng của chúng tôi vậy!
Chung quanh trại cũng không còn cái gì có thể thu nhặt để ăn được.  Qua thời gian, rau dại đã không còn mọc được, cào cào, dế, ếch nhái, và ngay cả chuột cũng không thể sinh tồn được vì chúng đã bị tiêu diệt bởi nhiều thế hệ tù.  Dòng suối A-Mai thì không có một con cá hay cả một con ốc!  Dân chúng nghèo khổ trong vùng đã thu nhặt hết những thứ gì ăn được.  Có lẽ cá, ốc, và thú vật trong vùng đều đã tuyệt chủng hết rồi!
Chúng tôi chỉ dựa vào tiêu chuẩn của trại là mười lăm kí lô của những thứ tương đương với gạo trong mỗi tháng cho mỗi trại viên.
Khoai mì, đặc biệt là sắn lát và sắn duôi không có một chút dinh dưỡng nào cả; nó chỉ giúp cái dạ dày cảm thấy đầy một chút mà thôi.  Nhưng ngay cả chúng cũng không đủ để lấp được cái dạ dày vốn đã trống rỗng của chúng tôi nữa!  Sau thời gian dài ăn khoai mì, thân hình chúng tôi trở nên còm cõi trong khi mặt thì trông to ra!  Đầu tiên chúng tôi cảm thấy nằng nặng ở hai gò má, và rồi thì hai quai càm sưng lên.  Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên.  Có phải chúng tôi mập ra không?  Khuôn mặt chúng tôi trở nên to nhưng lại xanh xao!  Chất độc của acid cyanhydric trong vỏ của khoai mì đã tích trử trong tuyến dưới hàm khiến chúng tôi giống như bị bệnh quay bị.  Khi thức dậy mỗi buổi sáng, ghèn dán kín đôi mắt tôi; cổ họng tôi thì khô khốc!  Căn phòng dường như quay cuồng quanh tôi khi tôi đặt chân lên mặt đất.
Khoai lang, gọi là “hoàng sâm” thì làm cho miệng tôi đắng nghét mỗi khi thức dậy, và nó khiến chúng tôi đói hơn là ăn khoai mì vì số lượng của nó quá ít!  Bắp, bo bo, và bánh bột mì thì đỡ hơn một chút, nhưng lại không có thường xuyên như khoai mì.  Bắp thì là loại cho gia súc ăn, không phải là loại bắp ngọt, được phơi khô rất cứng và nấu chưa được mềm ra.  Bánh bột mì là loại bột do Liên Xô viện trợ được nhào và nặn rồi luộc thành những cái bánh tròn khoảng một tấc đường kính và dầy khoảng một phân.
Tôi đã cố gắng tập ăn ít ngay từ trại đầu tiên, nhưng cái phần ăn này cũng vẫn thiếu đối với tôi.  Trong khi chia phần, tôi cố lảng tránh ra xa, nhưng rồi tôi vẫn còn quan sát từ đàng xa và đôi khi vẫn cảm giác là phần của mình ít hơn của người khác. Tôi tự ghét mình vì điều này, nhưng vẫn không thể tự kềm chế được mình.
Mỗi trại viên có cách ăn khác nhau.  Có người thì ăn ngay sau khi chia phần; người khác thì để lại cho đến khi vào chổ ngủ mới ăn vì họ không muốn ngủ trong cơn đói!  Có người thì ăn chậm chạp như không muốn bữa ăn chấm dứt; người khác thì ăn vội vã như quá đói và sợ phần ăn của mình bị mất đi. Vài người thì chia phần ăn ra làm những phần nhỏ và ăn mỗi lần một chút dường như họ có nhiều phần ăn vậy; người khác thì ăn ngay một lúc nhưng lại nhai rất kỹ như muốn phần ăn của mình được hấp thu một cách trọn vẹn.
Cái thói quen xấu của tôi là tôi thường hay đổ nước vào chén sau khi ăn xong rồi uống luôn phần nước ấy như muốn không bỏ sót cái gì trong chén sau khi ăn xong!  Khi Uyển còn là đội trưởng của đội, tôi thường ngồi ăn chung với anh ta; chúng tôi vừa ăn vừa hút thuốc lào để kéo dài bữa ăn!  Sau khi Uyển chuyển qua làm thi đua, tôi không mang phần ăn vào phòng như trước nữa mà ăn ngay sau khi được chia ra, xong rồi rửa chén bát và đặt chúng ngay trên bàn để đợi bửa ăn tiếp theo.
Đầu tiên thì chúng tôi có những phòng ăn gần cổng khu A, nhưng không ai ăn uống trong đó.  Chúng chỉ được dùng để làm nơi đặt đồ lấy nước uống và để treo áo quần đi lao động.  Vào năm 1980, sau khi những trại viên ở những trại khác được chuyển đến thì những phòng ăn ấy trở thành phòng dành cho các cán bộ quản giáo và ban thi đua.  Chúng tôi dựng những chiếc lều tranh trong sân ở gần phòng giam với những chiếc bàn và kệ bằng tre để chứa đồ đạc của chúng tôi vì lúc đó chúng tôi quá đông.
Tôi không biết làm thế nào để mô tả được cái đói trong thời gian này.  Nó có nghĩa là chúng tôi ăn mỗi ngày ba bữa mà vẫn đói, không thấy cái gì trong dạ dày cả.  Khi những trại viên chuyển đến trại Tân Lập từ Hoàng Liên Sơn, Yên Bái, vân vân, lúc miền Bắc bị Trung Cộng tấn công, họ trông thấy chúng tôi mà đâm ra sợ hãi!  Mặc dù chúng tôi ra miền Bắc sau họ, nhưng chúng tôi trông gầy ốm và xanh xao hơn họ nhiều.  Chúng tôi thường so sánh sự khác nhau của những trại cải tạo do Công An quản lý và do Bộ Đội quản lý qua sự ốm đói của các trại viên.
Cái đói và sự thiếu ăn đôi khi khiến vị giác chúng tôi trở nên sai lệch. Hầu hết trại viên trong tình trạng này đều biết rằng họ cảm thấy ngọt ngào ngay cả khi bỏ một hạt muối vào miệng.  Khi được hỏi anh sẽ ước muốn điều gì khi được thả ra thì Chưởng, một trại viên trong đội tôi nói rằng anh ta chỉ muốn một rổ đầy khoai mì để ăn cho đã đời trong khi ngồi trên xe lửa về miền Nam. Nhưng rồi anh ta cũng không thực hiện được ước mơ của mình bởi vì anh ta đã chết sau đó mấy tháng!  Chúng tôi thường đùa rằng nếu cho chúng tôi được chọn lựa giữa một bửa ăn ngon lành và một cô gái đẹp thì chúng tôi sẽ chọn bửa ăn. Một bửa ăn ngon có thể giúp chúng tôi sống sót được; ngoài ra chúng tôi làm gì được với một cô gái đẹp trong tình trạng của chúng tôi như thế?
Mỗi lần có được bửa ăn “tươi”, một chút thịt heo nấu với nước muối, mọi người trong chúng tôi đều muốn có được một ít mỡ thay vì thịt nạc.  Sự thiếu dinh dưỡng đã tàn phá mọi thứ dự trử trong cơ thể khiến cho da chúng tôi trở nên mốc thếch và nhăn nheo.  Da trâu cũng trở nên một loại thực phẩm cao cấp, ngay cả loại da đã bịt trống cũng đã bị đánh cắp để ăn.  Khi đào khoai lang ngoài đồng, nhiều trại viên đã ăn sống khoai mà không lột vỏ cũng không rửa sạch.  Vài bệnh trạng như kiết lỵ và tiêu chảy do sự ăn uống thiếu vệ sinh mà ra đã giết chết rất nhiều trại viên vốn yếu ớt sẵn rồi.  Một trại viên làm ở lò rèn nướng một con cóc nhỏ rồi ăn cả con đã ngã ra chết ngay tại chổ vì gan cóc bị nhiểm độc.
Mỗi đêm, cái đói khiến tôi rất khó ngủ. Chiếc loa phóng thanh nhỏ treo ở cuối phòng lại vang lên lời ca của một ca sĩ nỗi tiếng của VC, Ái Vân, con gái của nữ nghệ sĩ nhân dân Ái Liên.  “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao, dù đạn bom man rợ thét gào, dù thân thể triền miên mang đầy thương tích….”  Bài ca được quảng cáo là đã được đoạt huy chương vàng tại đại hội thanh niên toàn thế giới (chính xác là thế giới Cộng Sản) ở Đông Đức.  Tôi rất bực mình nhưng không biết làm gì khác hơn là nhét lỗ tai lại và cố vỗ giấc ngủ.  Tôi muốn la to lên rằng “cuộc đời này rất vô nghĩa, tình yêu cũng rất vô nghĩa khi mà cái dạ dày của tôi đang trống rỗng và tôi đang sống trong cái địa ngục của thế gian này!”
Dùng thực phẩm như là một con mồi và chiếc gậy là một thủ đoạn của VC.  Chúng bảo rằng ai làm lao động tốt sẽ được ăn phần ăn đặc biệt và ai lười biếng thì bị ăn phần ít hơn.  Chúng chia ra làm ba loại tiêu chuẩn ăn: 15 kí lô lương thực hàng tháng cho những trại viên bình thường, 18 kí lô cho những trại viên tiên tiến, và 13 kí lô cho những trại viên lười biếng.  Điều này đôi khi cũng làm vài trại viên bị sa bẫy!  Trong lúc đói ai mà không muốn có được nhiều hơn, do đó có người đã cố làm lao động để được xuất ăn đặc biệt.  Họ đã quên rằng làm như thế thì họ sẽ mất rất nhiều năng lượng mà không thể bù đắp được bởi vài kí lô thực phẫm hàng tháng!  Những người to xác và những người ăn xuất ăn đặc biệt lại là những người bị suy sụp sớm nhất.



Chương 31. Bến Ngọc

Dòng suối A-Mai, nguồn cung cấp nước cho trại và cho cả nhân dân sống chung quanh là một trong những con suối đổ vào con sông nhỏ, một nhánh của sông Hồng.  Suối A-Mai thường chảy rất siết nên thuyền bè không thể di chuyển được.  Các nguồn cung cấp cho trại được chuyển đến bằng thuyền bè thì phải cập vào một cái bến bãi tên là “Bến Ngọc”, cách K5 khoảng mười lăm cây số.
Dân chúng địa phương kể lại rằng trước đây có một ông điền chủ trong vùng tên là Ngọc đã làm ra cái bến ấy để làm nơi đổi chác những sản phẩm của ông ta với người khác.  Khi Cộng Sản chiếm miền Bắc, gia đình ông ta bị giết trong đợt đấu tố địa chủ của giai đoạn cải cách ruộng đất năm 1955.  Cái bến đã bị bỏ hoang.  Từ đó dân chúng dùng tên ông ta để đặt cho bến ấy.
Thật ra thì không có gì ở Bến Ngọc ngoại trừ một cái bãi cát dài khoảng trên một cây số, rộng khoảng sáu trăm thước về mùa khô và khoảng mười thước về mùa nước lớn.  Dân chúng thường dùng bến ấy để cập những mảng tre bương mà họ chặt ở khu rừng trên thượng nguồn rồi chống theo dòng suối để đến bến bán cho người khác.
Lương thực, than đá, lá cọ, và xăng dầu cung cấp cho trại được chuyển bằng xe lửa từ ga Hàng Cỏ ở Hà Nội đến ga Ấm Thượng, và rồi người ta dùng một chiếc phà để chuyển đến Bến Ngọc.  Từ đó, họ thường dùng xe trâu để chuyển về trại nếu chỉ có một số lượng nhỏ, nhưng nếu số lượng lớn như tre, lá cọ, than đá, thì trại viên và cán bộ phải đi ra đó mà lấy để chuyển về.  Trại thường tổ chức một buổi “ra quân” để làm việc này.
Sáng sớm hôm có buổi “ra quân”, khi mở cửa phòng giam, cán bộ trực trại sẽ bảo chúng tôi sẵn sàng để đi “Bến Ngọc”.  Chúng tôi không mang đồ đạc lỉnh kỉnh của riêng mình mà chỉ mang theo bình nước uống vì khi về chúng tôi sẽ phải mang vác nặng nề trên một lộ trình khá xa!  Chúng tôi xuất trại như thường lệ, nhưng những chiếc xe cải tiến thì đã được đem về đậu trước cổng trại sẳn sàng.  Trại viên lấy xe của đội mình để kéo theo, quẹo về phía trái ở trước cổng trại rồi quẹo mặt vào con đường đất sét đi về phía Bến Ngọc.  Con đường này rất bụi bặm vào ngày nắng nhưng lại trơn trợt vào ngày mưa.  Các trại viên kéo xe cải tiến đi phía trước, hai hàng trại viên khác đi tiếp theo, và cuối cùng là các cán bộ, chúng tôi phải đi vội vã.
Khoảng nửa đường từ K5 đến Bến Ngọc, có một ngôi trường mà đầu tiên trông thấy đã khiến tôi rất kinh ngạc, đó là “Trường Phổ Thông Công Nông Nghiệp Số 1”.  Học sinh trong trường là các trẻ em khoảng từ mười đến mười lăm tuổi.  Chúng ăn mặc giống hệt chúng tôi và làm việc như chúng tôi!  Các “thầy giáo” là những công an mặc quân phục với súng trên vai trông chừng chúng làm việc trên những cánh đồng.  Đó là loại trường học gì vậy?  Chúng cũng có buổi “ra quân” như chúng tôi.  Tôi thử hỏi xem chúng học cái gì trong trường thì chúng cười và nói “học cái gì, chúng cháu làm việc như trâu!”  Chúng thường gọi chúng tôi là “bố” và hỏi xin “thuốc lào” dù chúng còn rất trẻ.  Chúng là những trẻ bụi đời ở những thành phố lớn ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, hoặc những đứa trẻ hư hỏng mà gia đình không dạy được phải đưa vào trại để cải tạo.  Cái gọi là “trường học” thật ra là một trại tù để giam trẻ con mà thôi.  Hầu hết bọn chúng sẽ được chuyển đi các “nông trường” để sống cho hết đời hoặc vào các trại cải tạo khi đến tuổi mười tám.
Cộng Sản không có nhà tù, họ chỉ có “trường học”, “trại cải tạo”, và các “nông trường” mà thôi.
Những đứa trẻ này cũng tả tơi và ốm đói như chúng tôi; chúng kéo xe cải tiến đi về phía Bến Ngọc với những cán bộ vũ trang đi theo sau.  Không có gì khác với chúng tôi cả ngoài việc chúng là trẻ con!  Có lẽ có một điều khác hơn là chúng ăn nói dơ dáy với những tiếng lóng mà chúng tôi không thể hiểu nỗi, và chúng chửi thề luôn miệng!
Chúng tôi đến Bến Ngọc khoảng giữa trưa và chờ đợi tất cả đến nơi.  Chiếc phà đầy than chưa cập bến.  Trời bắt đầu mưa.  Không có chổ nào núp mưa; chúng tôi ngồi co ro dưới mưa.  Cái lạnh và cái đói trộn lẫn với nhau làm tôi run rẩy; hai hàm răng tôi đánh bò cạp.  Tôi không ước mong gì hơn là có được một chén cơm nóng ở trong một căn phòng ấm áp.  Điều ước muốn ấy thật quá đơn giản, nhưng trong hoàn cảnh này thì nó còn khó hơn bay lên cung trăng!  Tôi nhìn quanh các bạn bè; vài người trong họ đã từng giữ những chức vụ chỉ huy trước đây.  Họ cũng đang co ro và run rẩy như những con mèo ướt.
Cán bộ thì mặc pon-sô họp nhau cười nói và chia nhau những điếu thuốc lá.  Trại viên thì ngồi trong hàng run rẩy dưới mưa.  Hai hình ảnh trái ngược nhau ở cùng một chỗ!  Tôi chẳng thương mà cũng chẳng ghét gì các cán bộ.  Họ cũng là những người Việt Nam; vài người trong bọn họ cũng có tính người.  Lớn lên trong một xã hội được xây dựng trên nền tảng của sự hận thù, họ giống như những người máy.  Tôi vẫn nhớ người bạn cũ của tôi tên là Khiêm, anh ta đã theo VC sau khi tốt nghiệp trung học, trong những ngày đầu “giải phóng”, anh ta đã nói với tôi rằng một khi đã gia nhập đảng Cộng Sản thì anh ấy giống như có một dây thòng lọng quấn quanh cổ.  Anh ấy phải làm những gì mà họ bảo làm, nếu không thì anh ấy sẽ bị thắt cổ chết mà thôi.
Chế độ Cộng Sản đã tạo nên những con người làm những gì mà họ được ra lệnh làm, nói những gì mà họ đã được nhồi nhét vào đầu, và suy nghĩ những gì mà họ được chỉ bảo.  Năm này qua năm khác, họ đã được dạy rằng chúng tôi là những kẻ thù của Nhà nước và của Nhân dân, và quan trọng nhất là kẻ thù của Đảng, do đó họ phải đối xử với chúng tôi như những kẻ thù.
Trẻ con ở miền Bắc đã được dạy rằng chúng tôi là những tên quỷ dữ chỉ biết ăn gan uống máu của nhân dân.  Khi các đứa trẻ trong “trường” hỏi chúng tôi về những điều này, chúng tôi không biết làm thế nào để giải thích cho bọn chúng mà chỉ biết cười và bảo đùa rằng chúng tôi cũng đã từng ăn gan và uống máu, nhưng chúng tôi chỉ ăn gan gà và uống máu dê mà thôi!  Trẻ con ở miền Bắc được dạy rằng dân chúng miền Nam đã bị bóc lột đến tận xương tủy, do đó dân miền Bắc phải vào để giải phóng dân miền Nam, những người đang sống trong sự nghèo nàn và đau khổ.  Điều tuyên truyền này đã khiến người miền Bắc nghĩ rằng dân miền Nam nghèo hơn người miền Bắc rất nhiều.
Có nhiều người đã thay đổi cả ý nghĩ sau khi được vào Nam.  Trung úy Trung, cán bộ chấp pháp trong Ban Giám thị của trại, người đã từng có thái độ căm thù chúng tôi ra mặt khi chúng tôi mới đến trại.  Khi hắn ta được vào miền Nam trở về, nhìn thấy những khác biệt giữa sự thật và những gì mà hắn ta đã được nghe trước kia về miền Nam, hắn ta đã thay đổi hẳn thái độ và trở nên tử tế hơn nhiều cán bộ khác.  Nhiều cán bộ khác cũng đã thay đổi thái độ sau khi được vào miền Nam.  Tôi tự hỏi thế thì ai cải tạo ai đây?
Mưa đã tạnh, và chiếc xe trâu của nhà bếp cũng đang mang phần ăn trưa đến cho chúng tôi.  Vài củ khoai mì với một lời an ủi là sẽ có phần “ăn tươi” vào bữa chiều đã giúp chúng tôi có một ít năng lực để làm việc.
Chiếc phà đã cập bến.  Bốn trại viên phụ trách một chiếc xe cải tiến; chúng tôi phải thay phiên nhau xúc than đổ lên xe.  Chiếc xe đầy than rất nặng; bánh xe lún vào trong cát không thể di chuyển được dễ dàng dù chúng tôi đã cố đẩy hết sức mình.  Một người trong chúng tôi giữ càng xe, ba người khác đẩy mạnh phía sau, nhưng chiếc xe vẫn không nhút nhích.  Chúng tôi đổi cách làm: một người vẫn giử càng xe để lái, một người đẩy phía sau, hai người còn lại nắm vào bánh xe mà xoay để chiếc xe di chuyển từng đoạn ngắn một.  Chúng tôi vật lộn với chiếc xe gần một tiếng đồng hồ mới đem nó được lên đường để chờ mọi người làm xong!  Sau lần đầu đó, chúng tôi rút được kinh nghiệm.  Mỗi lần đi lấy than chúng tôi mang theo vài chiếc ky để khiêng than đá từ chiếc phà lên xe cải tiến để ở trên bờ.
Đi trở về trại cũng rất xa dù khoảng cách chỉ vào khoảng mười lăm cây số.  Đến những dốc ngược hay những đoạn đường lầy lội, chúng tôi lại phải tiếp tục vật lộn với chiếc xe.  Dốc Trinh có độ dốc khoảng ba mươi độ là một đoạn đường khó khăn nhất vì nó dài khoảng trên một trăm thước.  Dân chúng địa phương bảo rằng họ đặt tên cho cái dốc ấy theo tên của một người con gái vẫn còn sống.  Cô ta bị một tên VC cưỡng hiếp trở thành điên loạn.  Trong những đêm có trăng, cô ấy thường khỏa thân đi lại trên dốc với mái tóc xõa ra trông giống như một bóng ma.  Người ta thường gọi tên cái dốc là “dốc Trinh Hồng” vì tên cô ta là Hồng.
Về đến trại, chúng tôi hoàn toàn hết sức lực!  Cái gọi là “bửa ăn tươi” là một miếng thịt nhỏ khoảng ngón tay cái không đủ để thuyết phục chúng tôi ăn ngay được bửa ăn dù chúng tôi đang rất đói.
Đi lấy lá cọ hay lấy tre cũng chẳng khá hơn.  Ba trại viên một xe cải tiến, số còn lại phải vác bằng vai.  Hai bó lá cọ khoảng hai mươi ký lô mỗi bó được xuyên qua bởi một cây đòn xóc quả là quá nặng nhất là con đường quá dài và lầy lội với những dốc ngược.  Để chất được nhiều trên xe cải tiến, họ bắt chúng tôi phải buộc những thanh tre vào sườn xe để chất lá lên cao lên khỏi sàn xe.  Muốn kéo xe dể dàng hơn, vài người trong chúng tôi phải buộc dây vào càng xe rồi quấn quanh vai trông giống con trâu mang ách.  Tôi thường đi theo xe cải tiến để lấy lá hay lấy tre mặc dù nó nặng hơn một chút vì tôi không thể gánh trên vai được; nó khiến vai tôi đau rã rời.
Cuối năm 1979, khi trại cho phép gia đình đến thăm nuôi trại viên, con đường đi Bến Ngọc trở thành con đường của gia đình chúng tôi!  Bến Ngọc cũng trở nên đông đúc hơn.  Một số dân địa phương có thêm một nghề mới, đó là giúp đở gia đình trại viên để chuyển đồ đạc họ từ phà lên bến và đôi khi phụ gánh vào trại.
Cũng kể từ đó, đi Bến Ngọc lại là một niềm vui cho chúng tôi mặc dù cũng vẫn rất mệt.  Chúng tôi có cơ hội để gặp được dân Sài Gòn.  Mặc dù họ không phải là thân nhân mình đi nữa, nhưng ít ra họ vẫn thấy thân quen hơn.
Có lần tôi đi cùng mấy người trong đội đến Bến Ngọc để lấy gỗ về làm nhà, một người đàn bà đến hỏi tên tôi rồi bà ta bật khóc.  Bà ấy là vợ của anh bạn tôi đi thăm chồng đang ở K3.  Bà ta trao cho tôi một ít quà và bảo rằng bà ta không thể nhận được ra tôi vì tôi thay đổi nhiều quá.  Có lẽ là tôi đã quá tang thương nên không còn nhận ra được nữa!  Tôi không nhận quà của bà ta nên sau khi thăm chồng xong bà ta gởi qua cho tôi một ít; đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận được món quà của người Sài Gòn.



Chương 32. Hút Thuốc Lào

Có lẽ mọi trại viên đều biết đến “thuốc lào” dù rằng có người không hề hút thuốc.  Khi ra đến trại Tân Lập, chúng tôi không còn được phát thuốc lá nữa mà được phát loại thuốc vụn và thuốc lào.
Thuốc vụn là loại thuốc cắt thừa trong các hảng thuốc lá.  Nó rất khó quấn thành điếu vì thuốc rất nát, nhất là với loại giấy quyến nhỏ dùng để quấn thuốc lá trong các hảng.  Vài người sáng chế ra cây cờ nhỏ làm bằng miếng giấy dầy hay bằng miếng nilon để cuộn thuốc.  Tôi không thể quấn được thuốc theo cách ấy mà phải dùng mọi thứ giấy có được để quấn bằng tay như quấn thuốc rê.  Nhưng thuốc ấy không thể nào có đủ để hút trong vòng một tháng hơn để đợi kỳ phát sau.  Ngoài ra thì còn “thuốc lào” nữa!  Chúng tôi làm gì đây với loại thuốc này?  Nhiều người không biết hút thuốc lào nên thử cuộn để hút như hút thuốc rê, nhưng nó không thể đốt cháy được.  Tôi cũng thử làm theo cách ấy lúc đầu.  Chỉ một vài người miền Nam là biết hút thuốc lào thôi, họ đổi thuốc vụn cho chúng tôi để lấy thuốc lào.
Thuốc lào hút được lâu hơn vì mỗi lần chỉ hút một nhúm rất nhỏ.  Có hai loại điếu để hút thuốc lào, đó là điếu bát và điếu cày.  Hầu hết những trại viên từ miền Nam mới ra đều hút thuốc lào bằng điếu bát tự chế.  Điếu bát là một cái hủ kín có hai lỗ trên mặt: một lỗ để chứa thuốc lào và một lỗ để hút.  Cái lỗ để đựng thuốc lào được gắn vào đó một cái “nỏ” hình loa kèn để chứa một nhúm nhỏ thuốc lào mỗi lần hút, còn cái lỗ để hút thì được gắn một ống dài thường là ống tre.  Cái “nỏ” được gắn theo chiều ngược để đầu nhỏ của hình loa kèn nhúng vào trong nước chứa trong bát trong khi cái loa kèn thì nằm phía trên nắp.  Khi hút, khói thuốc sẽ đi vào nước trong điếu trước khi vào miệng của người hút.  Trong trại, ít người có được cái điếu bát thật sự.  Vài người chế tạo cái điếu bát từ những hũ chao, nhưng nó không hoàn hảo để mà hút thuốc lào và lại rất khó mang theo mình.
Khi vừa ra tới trại Tân Lập, chúng tôi nhìn thấy những phạm nhân hình sự hút thuốc lào bằng một ống điếu làm bằng tre gọi là “điếu cày”, và chính chúng đã chỉ chúng tôi cách hút thuốc lào bằng loại điếu này.
Cái ống điếu gọi là “điếu cày” vì nó được những người thợ cày mang theo ra đồng mỗi khi họ đi cày ruộng.  Nó được làm bằng một mắt tre dài khoảng sáu hoặc bảy tấc, đường kính khoảng ba phân có một đầu kín để chứa nước và một đầu hở để hút thuốc.  Cách cái mắt tre khoảng năm phân, người ta xoi một lỗ nhỏ để gắn cái nỏ điếu vào theo độ dốc khoảng bốn mươi lăm độ.  Cái nỏ điếu phải được gắn thế nào để đầu nhỏ của nó chấm vào nước trong điếu mỗi khi được giữ khoảng 45 độ và khi được giữ ở chiều gần như ngang thì nó nằm trên mặt nước.  Nghệ thuật làm nỏ điếu là phải xoi lỗ làm sao cho khi hút nó rít lên một tiếng kêu lớn.  Chúng tôi thường không ai biết làm nỏ điếu, do đó chúng tôi phải đổi chác với các phạm nhân hình sự để có được cái điếu cày.
Để đốt thuốc mỗi lần hút, chúng tôi cần phải có giấy hay những thứ nào dễ bắt lửa.  Giấy rất hiếm trong trại cải tạo, do đó chúng tôi thường phải chẻ tre thành những thanh mỏng, ngâm trong nước vài ngày rồi đem phơi khô để làm đóm.
Hút thuốc lào thì phải học cách hút.  Chúng tôi nhúm một chút thuốc và vò nó lại thành những viên nhỏ gọi là “con dế”, đặt con dế ấy lên nỏ điếu, đốt cái đóm, và rồi với chiếc điếu ở vị trí khoảng 45 độ, chúng tôi đặt môi vào đầu điếu.  Cùng lúc ấy, chúng tôi phải vừa đốt thuốc vừa hít nhẹ vào để khói thuốc đi vào trong điếu và con dế được đốt hết.  Giai đoạn kế tiếp là giai đoạn “tuyệt vời” nhất đối với người hút thuốc lào.  Con dế đã bị đốt trọn vẹn sẽ được phun ra, rồi người hút thuốc lào giữ cái điếu gần như ngang với mặt đất để cái nỏ chỉ nằm trên mặt nước trong điếu chứ không chìm vào trong nước nữa, tiếp theo người hút phải hít một hơi dài; cái điếu kêu rít lên, đó là lúc người hút thuốc lào cảm thấy “say sưa” nhất!
Tôi đã hút thuốc lào không lâu sau khi đến trại Tân Lập.  Phong, một người tù hình sự làm chung với tôi khi tôi đi vẽ tấm tranh cổ động cho trại đã cho tôi cái điếu cày và chỉ tôi cách hút.
Cảm giác say sưa của thuốc lào rất khác với cảm giác say thuốc lá hoặc say rượu.  Nó làm cho người hút dường như bị tê ở mặt, dường như đang bay bổng, tay run run, đầu óc thì rất tỉnh táo nhưng không thể kiểm soát được các cử động của tay chân.  Đôi khi người say thuốc lào có thể bị ngã sấp xuống; mặc dù anh ta đã có ý muốn nắm giử vào vật gì đó để gượng lại nhưng anh ta không thể điều khiển cử động của mình được nữa.  Cái cảm giác đầu tiên này chỉ xảy ra trong vòng năm phút, và rồi “con dế” tiếp theo không thể mang lại cái cảm giác ấy được nữa cho đến một thời gian lâu sau, có khi đến hôm sau.  Đó cũng là lý do khiến các trại viên hay hút thuốc lào vào mỗi sáng sớm khi giật mình thức dậy.  Cảm giác say thuốc lào là một cảm giác rất khó quên.  Một người nào đó đã đặt ra một câu ca dao để diễn tả rằng “Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên!”
Khi Uyển làm đội trưởng của đội 10, Uyển và tôi thường ngồi ăn cơm chung với nhau, vừa ăn vừa hút thuốc lào để kéo dài bửa ăn.  Hai loại thuốc mà trại phát cho chúng tôi lúc ấy là “Sông Cầu” và “An Thái”.  Vào năm 1980, khi các gia đình miền Nam được phép ra thăm nuôi, họ mang loại thuốc lào miền Nam tên là “999”. Tôi đã hút thử thuốc này một lần duy nhất, và nó khiến tôi “gần chết!”  Nhịp tim tôi đập rất nhanh; tôi ngã sấp xuống nền nhà mà không thể kiềm chế được mình.  Tôi bỏ hút thuốc lào kể từ đó, giao điếu cày của tôi cho Nhân, người bạn nấu nước trong đội.  Điếu của tôi trở thành tài sản chung cho đội!
Hàng ngày khi đi lao động, Nhân mang cái điếu ấy theo mặc dù anh ta không hút thuốc lào.  Vào giờ giải lao, các trại viên trong đội tôi thường đến chỗ của Nhân để uống nước và hút thuốc lào.  Đôi khi họ bỏ vào lon guigoz những thứ mà họ thu nhặt được trên hiện trường lao động nhờ Nhân nấu dùm để “cải thiện”.  Chúng tôi không được phép mang vào trại những thứ này, do đó phải ăn những thứ ấy ngay lúc giải lao.
Mỗi đội thường có một người phụ trách nấu nước uống khi đi làm lao động.  Người này thường được gọi là “anh nuôi”, và trại viên trong đội thường phải nhờ những anh nuôi ấy nấu dùm đồ ăn mà họ thu nhặt được để ăn lúc giải lao.  “Anh nuôi” còn có nhiệm vụ mang cái điếu cày cho toàn đội vì trại không cho phép mỗi người mang điếu riêng của họ khi đi làm lao động.  Khi đi lao động, “anh nuôi” gánh một đôi thùng nước có treo lủng lẳng xung quanh những củi nấu, ống điếu cày, và lon guigoz.  Những hình ảnh rất quen thuộc của các trại cải tạo là “anh nuôi”, cái lon sữa guigoz bằng nhôm có gắn quai gọi là lon “gô”, và chiếc điếu cày.



Chương 33. Muông, Người Tù Hình Sự Đặc Biệt

Hắn ta vào khoảng năm mươi vào năm 1977.  Tội của hắn là truyền bá thơ văn của nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”, và hắn không có một án phạt nào cả!  Hắn ở trong trại cải tạo từ năm 1955.
Tôi gặp Muông lần đầu tiên lúc tôi đang vẽ tấm tranh cổ động cho trại ở phòng ăn của một đội ở khu B, gần văn phòng của “Ban Thường Trực Thi Đua”.  Hắn đến để xem tôi vẽ.
- “Tại sao anh không tự vẽ lấy tấm tranh cổ động?”  Hắn hỏi tôi.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại hắn.  “Sao anh hỏi tôi như vậy?”
- “Vì tôi nghĩ anh có đủ khả năng để sáng tác tấm tranh chứ không cần phải bắt chước theo tờ báo.”  Hắn trả lời tôi.
- “Cám ơn anh, nhưng đây là cách làm của tôi trong mọi trại cải tạo.  Điều này dễ cho tôi hơn vì tấm tranh cổ động này không phải là của tôi, không ai có thể chụp mũ cho tôi được vì nó không phải ý tôi.”
- “Anh khôn quá!”
Hắn ta hơi lùn, nhưng không ốm đói như những người khác.  Tóc hắn đã ngã xám, gần như bạc hẳn mặc dù hắn trông không có vẻ già lắm.  Hắn ta hỏi tôi nhiều điều về miền Nam, hỏi tôi làm gì trong chính quyền Nam Việt Nam, hỏi về gia đình tôi, vân vân.  Tôi chỉ trả lời những điều chung chung vì tôi không biết hắn có phải là “cán bộ” muốn điều tra tôi hay không.
Tôi muốn hỏi hắn về tội trạng của hắn, án phạt mà hắn bị, nhưng tôi thấy không tiện vì điều đó rất là bất lịch sự.  Hầu hết các phạm nhân ở khu B đều là những tội phạm hình sự mang những tội như giết người, cướp của, hay hiếp dâm.  Án phạt của họ thường ít nhất là mười năm.
Phong, một phạm nhân hình sự vẽ chung với tôi trong phòng nói cho tôi biết rằng Muông là một “tù nhân chính trị” chứ không phải hình sự.  Nhưng Phong không biết loại chính trị gì mà Muông bị bỏ tù!
Muông là một trại viên làm việc ở “ban chỉ huy trại”, nuôi heo cho cán bộ; hắn đã ở trong trại quá lâu nên có thể đi bất cứ đâu cũng không cần có cán bộ canh chừng.  Đôi khi hắn ta mang cho tôi một ít thức ăn, một ít rau, và chúng tôi lần lần quen biết nhau nhiều hơn.  Hắn ta kể cho tôi nghe về những việc xảy ra ở miền Bắc sau 1954 khi bị Cộng Sản chiếm.  Tất cả những nhân viên làm cho Pháp hoặc cho Chính Phủ Quốc Gia đều bị bắt đi cải tạo, và một số lớn đã chết trong các trại.  Số còn lại thì bị chuyển đến những nông trường quốc doanh và sống ở đó cho hết đời.
Trong phong trào “nhân văn giai phẩm” vào năm 1955, hầu hết những văn thi sĩ có những tư tưởng đi ngược lại đường lối của Đảng đều bị cải tạo.  Hắn ta không phải là nghệ sĩ hay nhà văn gì cả mà chỉ lưu giữ những bài viết của nhóm ấy và bị người khác báo cáo.  Điều ấy khiến hắn bị trả một cái giá là cả cuộc đời hắn ở trong trại cải tạo từ năm 1955.  Hai mươi hai năm từ những trại như Lào Kai, Yên Bái, Sơn La, vân vân, hắn được chuyển về trại Tân Lập để chờ đi nông trường.  Hắn bảo rằng không bao giờ có chuyện thả các trại viên không có án ngoại trừ khi người ấy có thân nhân làm cho Cộng Sản ở cấp bậc cao, hoặc là có một “phép lạ” nào đó!
Tôi hỏi hắn tại sao hắn không về nhà vì tôi thấy hắn có thể đi bất cứ đâu mà không ai canh chừng.  Hắn nói rằng hắn đã về nhà hai lần rồi, nhưng không có thể trốn đâu được hay sống được trong xã hội của Cộng Sản.  Họ kiểm soát hết mọi thứ kể từ gia đình chúng ta, họ hàng chúng ta, và cả hàng xóm chúng ta.
Tôi thường xuyên gặp Muông cho đến khi hắn được chuyển đi một trại nông nghiệp của nhà nước tên là “Hồng Trường” vài tháng sau.

(Hết chương 27 – 33 .  Xin xem tiếp chương 34 – 38)

No comments:

Post a Comment